Tác động của đại dịch Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam: Một số khuyến nghị
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí tại một số nước đã xuất hiện làn sóng thứ 2. Hoạt động thương mại, đầu tư, du lịch và sản xuất - kinh doanh (cả phía cung và cầu) tiếp tục bị đình trệ hoặc hồi phục yếu ớt; tâm lý người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư bị tác động đáng kể, kinh tế thế giới đã chính thức bước vào suy thoái với GDP quý II của Mỹ giảm -9,5% so với cùng kỳ năm trước, khu vực đồng euro -15%, Đức -11,7%, Pháp -19% (theo OECD), Hàn Quốc -2,9%, Singapore -12,6%...; và IMF dự báo cả năm GDP toàn cầu tăng trưởng -4,9%, WB dự báo -5,2%.
Rõ ràng tác động của đại dịch Covid-19 đến kinh tế - xã hội toàn cầu là rất nặng nề, khiến kinh tế toàn cầu suy giảm gấp 3 lần so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 (khi đó, GDP toàn cầu năm 2009 tăng trưởng -1,7%).
Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong số ít các nước vẫn giữ mức tăng trưởng dương (+1,81% trong nửa đầu năm 2020) và được Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo có thể trở thành quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao thứ 5 thế giới năm 2020. Mặc dù vậy, tốc độ tăng trưởng GDP giảm mạnh từ 3,82% trong quý I xuống 0,36% trong quý II đã phản ánh tác động của Covid-19 đối với kinh tế Việt Nam ngày càng rõ nét và nghiêm trọng hơn nhiều; một phần do nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, dễ bị tổn thương khi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ của một số đối tác chính; trong đó, thương mại quốc tế, đầu tư, tiêu dùng trong nước, du lịch-lữ hành, khách sạn, vận tải - kho bãi… là những ngành chịu tác động rõ nét nhất.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam đã chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, thể hiện qua một số lĩnh vực chính trong 7 tháng đầu năm 2020 như sau.
Thứ nhất, lĩnh vực tiêu dùng (thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ) đạt 2.799,6 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% (giảm 4,8% nếu loại trừ yếu tố giá) so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 11,6% cùng kỳ năm 2019); trong đó, doanh thu bán lẻ ước tăng 3,6% (thấp hơn nhiều so với mức tăng 10% cùng kỳ năm 2019), doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống giảm 16,6% (cùng kỳ năm trước tăng 10,1%), doanh thu du lịch lữ hành giảm 55,4% (cùng kỳ năm trước tăng 10,1%), chứng tỏ sức cầu nội địa phục hồi song vẫn còn yếu.
Thứ hai, dịch Covid-19 làm ngưng trệ hoạt động sản xuất - kinh doanh của khu vực công nghiệp, sản xuất chế biến - chế tạo và tác động tiêu cực ngày càng rõ nét. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng có xu hướng giảm dần từ 5,15% trong quý I (so với cùng kỳ năm trước) xuống 2,98% trong quý II và chỉ còn 2,6% lũy kế 7 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do sự đứt gẫy của chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất toàn cầu do tác động của dịch bệnh. Cụ thể, sự đứt gẫy này đã tác động tiêu cực đến tăng trưởng của các ngành kinh tế như sản lượng của ngành khai khoáng giảm 42,7%, sản xuất phương tiện vận tải giảm 15,4%, dầu khí giảm 11,3%, sản xuất máy móc giảm 6,1%, sản xuất đồ uống giảm 6,3%...
Thứ ba, dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nhập khẩu hàng hóa (so sức cầu yếu và gián đoạn chuỗi cung ứng), trong khi xuất khẩu tăng nhẹ khiến cán cân thương mại thặng dư. Kim ngạch xuất khẩu 7 tháng đầu năm đạt 145,79 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ 2019; tuy nhiên kim ngạch nhập khẩu chỉ đạt 139,3 tỷ USD, giảm - 2,9%, khiến thặng dư thương mại đạt 6,5 tỷ USD (mức cao nhất trong 4 năm qua), nhờ mức tăng trưởng của các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ (+15%), Trung Quốc (+18,4%) bù đắp được sự sụt giảm của thị trường ASEAN (-15,4%), Nhật Bản (-5%), Hàn Quốc (-0,4%).
Thứ tư, dịch Covid-19 khiến dòng vốn FDI toàn cầu và vào Việt Nam giảm. Vốn FDI đăng ký vào Việt Nam 7 tháng đầu năm đạt 18,8 tỷ USD, giảm -6,9% so với cùng kỳ năm trước (tuy giảm, nhưng cũng là đáng khích lệ khi dự báo dòng vốn FDI toàn cầu năm nay giảm khoảng 40%) và đây cũng là mức giảm thấp hơn so với 6 tháng đầu năm (-15,1%). Về giải ngân, vốn FDI thực hiện sau 7 tháng đạt 10,1 tỷ USD, giảm -4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (mức giảm nhẹ hơn so với 6 tháng đầu năm là –5%), cho thấy xu hướng phục hồi và Việt Nam cũng đang tận dụng cơ hội dịch chuyển dòng vốn đầu tư.
Thứ năm, hoạt động doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn: bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trong nước và hoạt động xuất khẩu phục hồi chậm gây ra nhiều thách thức cho hoạt động doanh nghiệp trong nước. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lũy kế 7 tháng giảm -5,1% so với cùng kỳ, số việc làm tạo mới giảm -19,5%, đặc biệt, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động kinh doanh là 32,7 nghìn doanh nghiệp (tăng 41,5% so với cùng kỳ), chứng tỏ doanh nghiệp còn rất khó khăn; đòi hỏi các gói hỗ trợ của Chính phủ cần được quyết liệt triển khai nhanh, trúng và hiệu quả hơn nữa, và đẩy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư - kinh doanh.
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020
Trước diễn biến dịch Covid-19 còn rất phức tạp trên thế giới và tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá triển vọng tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đến hết năm 2020 (theo cả phía tổng cầu và tổng cung) với 3 kịch bản (cơ sở, tích cực và tiêu cực).
Với kịch bản cơ sở, các động lực tăng trưởng chính của kinh tế Việt Nam như xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư tư nhân, FDI và du lịch...v.v. đều chịu ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng toàn cầu và Việt Nam hội nhập sâu rộng. Theo kịch bản này, chúng tôi nhận định, các biện pháp của Chính phủ trong phòng chống dịch tiếp tục được các Bộ, Ngành, địa phương chú trọng triển khai cùng với các chính sách, gói hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân phát huy hiệu quả; các nước và Việt Nam kiểm soát được dịch trong quý III/2020, không để bùng phát “làn sóng Covid-19 thứ 2 ở diện rộng” và bắt đầu mở cửa giao thương, du lịch quốc tế có chọn lọc từ đầu quý IV/2020.
Tuy nhiên, một số ngành sẽ có sự hồi phục chậm hơn do còn phụ thuộc vào diễn biến dịch tại một số nước và khu vực, tâm lý và hành vi của người tiêu dùng, nhà đầu tư và doanh nghiệp. Với kịch bản này, tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 đạt khoảng 3% (trong đó quý III ước tăng 4,5% và quý IV ước tăng 4,61%).
Với kịch bản tích cực, các nước trên thế giới và Việt Nam nỗ lực kiểm soát và sớm đạt được kết quả tích cực trong phòng, chống dịch bệnh và đại dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát vào cuối tháng 8/2020; hoạt động giao thương, sản xuất - kinh doanh được khôi phục từ cuối quý III/2020. Theo kịch bản này, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 có thể đạt 4%.
Với kịch bản tiêu cực, “làn sóng dịch Covid-19 thứ 2 diễn ra ở diện rộng” trên toàn cầu và chỉ có thể kiểm soát cho đến hết năm 2020. Còn tại Việt Nam, dịch bệnh diễn biến phức tạp, làn sóng thứ hai lây lan rộng song vẫn kiểm soát được tình hình dịch bệnh cho đến hết quý III/2020, nhưng các đối tác quan trọng của Việt Nam (như Mỹ, Trung Quốc, EU, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc…) còn gặp nhiều khó khăn; các hoạt động giao thương tiếp tục bị ngưng trệ, tiêu dùng nội địa tiếp tục giảm nhẹ khi người dân ưu tiên tiết kiệm, thay đổi mạnh hành vi tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế khó khăn đến hết năm 2020. Theo đó, dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 chỉ đạt khoảng 1,5%.
Bên cạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam từ phía tổng cầu, chúng tôi cũng thực hiện dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2020 từ phía tổng cung với cùng giả định và các tác động của đại dịch đối với kinh tế thế giới và Việt Nam. Theo đó, với kịch bản cơ sở, tăng trưởng GDP năm 2020 đạt khoảng 3% nhờ sự đóng góp của khu vực Nông - Lâm nghiệp - Thủy sản (tăng trưởng 1,27% so với năm 2019), khu vực Công nghiệp - Xây dựng tăng trưởng khoảng 3,6% và khu vực dịch vụ tăng khoảng 2%.
Trong cả 3 kịch bản, chúng tôi dự báo lạm phát (CPI) bình quân năm 2020 dù đang ở mức 4,07% trong 7 tháng đầu năm nhưng vẫn có thể kiểm soát dưới 4% (khoảng 3,5-3,8%) cả năm 2020 với 3 lý do chính: (i) sức cầu quốc tế và trong nước còn yếu, nên lạm phát do yếu tố cầu kéo ở mức thấp, (ii) giá dầu dù đang tăng trở lại, nhưng bình quân cả năm vẫn giảm khoàng 20-25% so với bình quân năm 2019, giảm mạnh yếu tố chi phí đẩy, và (iii) giá thịt lợn dù còn biến động (tăng nhẹ) nhưng về cơ bản sẽ ổn định dần đến hết năm 2020.
Như vậy, tùy theo diễn biến của dịch Covid-19 tại Việt Nam và trên thế giới, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống, kinh tế Việt Nam năm 2020 theo kịch bản cơ sở có thể đạt mức tăng trưởng 3% (hoặc từ 1,5% với trường hợp xấu nhất đến 4% với trường hợp tích cực nhất). Kết quả lượng hóa này của chúng tôi cũng khá tương đồng với kết quả dự báo gần đây nhất (6/2020) của các tổ chức quốc tế như WB, IMF, OECD. Theo đó, các tổ chức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 ở mức 2,7% (theo IMF) đến 2,8% (theo WB) hay khả quan hơn ở mức 4,1% như dự báo của ADB (tháng 6/2020).
Tuy nhiên, với diễn biến của dịch Covid-19 xuất hiện trở lại tại Việt Nam như hiện nay, chúng tôi thiên về kịch bản tiêu cực nhiều hơn. Theo đó, nếu dịch bệnh không được nhanh chóng kiểm soát ngay trong tháng 8 mà kéo dài đến hết tháng 9/2020, dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 chỉ có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 1,5-2%. Đây là mức thấp hơn so với dự báo 2,8% ngày 30/7/2020 của WB; tuy nhiên cần lưu ý là dự báo của WB dựa trên giả định Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và không để phát sinh làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Một số khuyến nghị
Qua đánh giá tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 tới kinh tế - xã hội thế giới và Việt Nam; theo chúng tôi, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,8% năm nay là không khả thi. Tuy nhiên, việc Việt Nam phấn đấu đạt được mục tiêu kép: “phòng chống dịch Covid-19 thành công và đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội ở mức khả quan tối đa”, như tăng trưởng GDP đạt khoảng 2% (phấn đấu 3%), kiểm soát lạm phát CPI dưới 4% coi như là thành công và đáng ghi nhận. Theo đó, chúng tôi kiến nghị 7 giải pháp trong năm 2020-2021 như sau:
Một là, cần nhanh chóng, quyết liệt kiểm soát dịch bệnh, không để xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 2 ở diện rộng và coi đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và cần được ưu tiên, quyết liệt thực hiện. Việc kiểm soát được dịch bệnh sẽ quyết định tới mục tiêu ổn định kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Hai là, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ và triển khai hiệu quả các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; theo đó, cần: (i) khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc (như trong gói 16 nghìn tỷ đồng cho vay lãi suất 0% để DN có thể trả lương); (ii) xem xét sớm quyết định cho phép gia hạn thời gian giãn, hoãn thuế, tiền thuê đất (trước mắt là hết năm 2020) để doanh nghiệp đỡ khó khăn về thanh toán chi phí;
(iii) sửa đổi Thông tư 01 của NHNN theo hướng gia hạn thời gian giãn, hoãn nợ (đến hết năm 2020) và mở rộng đối tượng được hỗ trợ; (iv) tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV bằng cách tăng cho vay qua Quỹ phát triển DNNVV và khởi động hoạt động thực chất của các quỹ bảo lãnh vay vốn DNNVV,
(v) mở rộng đối tượng hỗ trợ gồm cả 1 số doanh nghiệp lớn và vừa như trong lĩnh vực hàng không, du lịch… (như nhiều nước đang làm), với tiêu chí và điều kiện hỗ trợ cụ thể (quy mô gói tài khóa tăng thêm cho các đầu việc nêu trên có thể khoảng 1-2% GDP);
(vi) rà soát các đối tượng được hỗ trợ trong các ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19 như du lịch, vận tải - kho bãi, bán lẻ, dệt may, giáo dục đào tạo... để bổ sung kịp thời. Khi đó, tổng giá trị các gói hỗ trợ của Việt Nam khoảng 4-5% GDP. Đồng thời, cần đề xuất có cơ chế, phân quyền đặc thù cho Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ để có thể ra quyết định nhanh chóng, kịp thời.
Ba là, chuẩn bị tâm thế đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các thị trường còn nhiều dư địa ngay sau khi dịch được kiểm soát như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, Hoa Kỳ và EU. Đây là 6 thị trường lớn chiếm đến 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam; nhất là trong bối cảnh hiệp định EVFTA giữa Việt Nam - EU có hiệu lực từ 1/8/2020. Trước mắt, cần đẩy mạnh xuất khẩu sang Trung Quốc - một thị trường đang phục hồi nhanh và truyền thống của Việt Nam.
Bốn là, đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công như là một giải pháp bù đắp thiếu hụt động lực tăng trưởng trong năm 2020 và cũng là động lực tăng trưởng dài hạn. Theo đó, cần kiên quyết giao trách nhiệm cho người đứng đầu, đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, bố trí kịp thời nguồn vốn đối ứng và đẩy nhanh tốc độ giải ngân nguồn vốn ODA; rà soát, ưu tiên cho các dự án trọng điểm, các dự án phát triển CSHT, y tế, giáo dục, có tính lan tỏa cao, tạo nhiều việc làm; không vì mục tiêu thúc đẩy giải ngân nhanh mà gây lãng phí, kém hiệu quả.
Năm là, tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và vốn đầu tư để thu hút FDI có sàng lọc. Cụ thể: (i) Sớm xây dựng và công bố chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư; (ii) Rà soát toàn bộ các khu công nghiệp (KCN) để có điều chỉnh linh hoạt về KCN cần ưu tiên mở rộng hoặc xây mới, KCN cần thu hẹp, thu lại; công bố danh sách các KCN sẵn sàng về quỹ đất sạch, CSHT…;
(iii) Rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp phân cấp phê duyệt đầu tư, tinh gọn qui trình thủ tục về đầu tư nước ngoài, công bố một cách công khai, minh bạch; (iv) Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện chiến lược, hành lang pháp lý cho phát triển kinh tế số, mô hình kinh doanh mới gắn với công nghệ số (đây cũng là lĩnh vực NĐT nước ngoài rất quan tâm); và (v) Có chính sách, gói hỗ trợ đào tạo nhân lực có tay nghề (nguồn tài trợ từ cả TW và địa phương).
Sáu là đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa: quy mô tiêu dùng cá nhân của Việt Nam tương đương gần 80% GDP và đóng góp 11,87% GDP năm 2019. Cụ thể, nên tập trung kích cầu vào một số ngành, lĩnh vực như du lịch, bán lẻ, vận tải, lưu trú, ăn uống, chăm sóc sức khỏe, giáo dục…
Cuối cùng là, đẩy nhanh tiến trình phát triển kinh tế số, Chính phủ điện tử và thanh toán, giao dịch điện tử; vừa là để tăng năng suất lao động, vừa là theo kịp xu thế và giảm rủi ro lây lan dịch bệnh do tương tác trực tiếp.
TS. Cấn Văn Lực
Góc Nhìn
Nhắc đến nghệ sĩ Quyền Linh, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến một MC nông dân, một MC của những chương trình gameshow nhân ái, một MC có thể bấm trước đồng hồ cho người chơi thắng cuộc để xoá nợ, một MC dám “gian lận” nhưng không ai có thể phiền lòng mà còn rơi nước mắt xúc động.