Ngày 17-10, nêu ý kiến tham luận tại phiên khai mạc Đại hội Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp Hội Việt Nam tại châu Âu Hoàng Đình Thắng đã đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung.
Mong sớm có quyết sách mang tính đột phá trong lĩnh vực quốc tịch
Trong đó, theo ông Thắng, việc lựa chọn nhân sự ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam là người Việt Nam ở nước ngoài phải là những người có tâm huyết, có năng lực, có điều kiện tham gia hoạt động và có uy tín với cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại.
Khi đó mới có thể phát huy vai trò của mình trong công tác vận động bà con cộng đồng, đồng thời mới làm tốt việc quảng bá hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam.
Ông đề nghị Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam thông qua tiếp xúc cấp cao và kênh ngoại giao, cần thúc đẩy một số quốc gia công nhận cộng đồng người Việt Nam ở một số địa bàn có đủ điều kiện là dân tộc thiểu số.
Từ đó làm cầu nối tích cực thúc đẩy quan hệ ngoại giao với các nước, chính quyền các địa phương nơi có đông người Việt sinh sống để chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt hội nhập, phát triển, nâng cao vị thế ở nước sở tại cũng như ở châu lục.
Về lĩnh vực pháp luật, ông bày tỏ rất vui mừng trong thời gian qua nhiều chính sách, pháp luật đã được ban hành, có tính đến quyền lợi và tạo điều kiện cho kiều bào tham gia nhiều mặt trong đời sống kinh tế - xã hội trong nước.
Đặc biệt, trong năm 2023 và 2024 đã có bước tiến trong chính sách về đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, giúp tháo gỡ vướng mắc khó khăn và huy động nguồn lực của kiều bào cho phát triển kinh tế đất nước.
Trong lĩnh vực quốc tịch, ông Thắng mong sớm có quyết sách mang tính đột phá để tạo thuận lợi cho kiều bào ta được trở lại quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Ông nêu rõ thời gian qua, nhiều quốc gia trên thế giới thay đổi chính sách quốc tịch đối với người nhập cư (trước đây họ chỉ cho phép mỗi người mang một quốc tịch, hiện nay rất nhiều quốc gia đã có chính sách đa quốc tịch).
Do đó, nhiều bà con người Việt đã xin thôi quốc tịch Việt Nam để vào quốc tịch nước ngoài trước đây, nay có nguyện vọng trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài.
Nguyện vọng này của bà con nhằm mục đích giữ mối liên hệ chặt chẽ về mặt pháp lý với Nhà nước Việt Nam và truyền cho các thế hệ sau.
Măc dù đã có một số quy định của pháp luật về vấn đề này, tuy nhiên triển khai trên thực tế rất khó khăn, nhiều quy định và giấy tờ không thể thực hiện được dẫn đến rất ít người đáp ứng được trong khi số người có nguyện vọng rất nhiều.
Bên cạnh đó cần tạo thuận lợi cho việc xác định quốc tịch cho trẻ em người Việt lai và đẩy nhanh quá trình xác minh nhân thân cấp hộ chiếu Việt Nam cho những người không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam.
Xem xét cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử
Về bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội, ông nghĩ rằng đã đến thời điểm cân nhắc xem xét, bổ sung các quy định cho phép công dân Việt Nam ở nước ngoài được quyền tham gia bầu cử, ứng cử đại biểu Quốc hội.
Về tổ chức hội, cần mở rộng việc cho phép các tổ chức hội đoàn có quy mô lớn được phép trở thành thành viên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Tiếp tục nghiên cứu cho phép đại diện Hội đồng hương kiều bào các tỉnh ở các quốc gia trên các châu lục có thể tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, đại diện các hội phụ nữ Việt Nam ở nước ngoài là thành viên Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...
Ông cũng đề nghị cần có các giải pháp để giữ gìn văn hóa, tiếng Việt ở cộng đồng kiều bào, khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước đầu tư, phát huy tiềm năng trí thức kiều bào, kịp thời khen thưởng, vinh danh cá nhân, tổ chức người Việt ở nước ngoài có đóng góp xuất sắc cho cộng đồng và đất nước.
Bình luận