Các nhà mạng đang tích cực triển khai lắp thêm các trạm phát sóng 5G nhằm mở rộng vùng phủ sóng - Ảnh: Nhà mạng cung cấp

 

Sau 3 tuần trải nghiệm gói cước 5G của nhà mạng Viettel, nhiều người dùng phản ánh tốc độ chỗ rất cao chỗ vẫn thấp... trong khi nhà mạng đưa loạt lý do khiến 5G chưa mạnh.

 

Tốc độ vẫn phập phù

 

Sử dụng mạng Viettel hơn 20 năm nay, anh Ngọc Khoa (quận Tân Phú, TP.HCM) rất háo hức khi được nhà mạng tặng gói cước trải nghiệm 5G. Anh Khoa cho biết công ty ở quận 1 và có thêm nhà vườn ở huyện Hóc Môn nên được trải nghiệm tốc độ 5G ở nhiều vị trí khác nhau. 

 

"Ở công ty tại quận 1 thường tốc độ rất nhanh, về nhà ở quận Tân Phú tốc độ bình thường. Khi lên Hóc Môn thì mở YouTube bị giật, thậm chí gửi file qua Zalo không đi được. Nói chung tốc độ vẫn rất phập phù", anh Khoa nhận xét.

 

Cũng háo hức không kém, anh Bình Minh (chung cư Him Lam Phú An, TP Thủ Đức) cho biết đã liên tục đo thử tốc độ mạng 5G - chỉ mới xuất hiện khu vực nhà anh chừng khoảng 1 tuần nay. 

 

Kết quả "ngay cả ở trong nhà, tốc độ 5G cũng có sự chênh lệch đáng kể. Có vị trí cho tốc độ 160 - 170 Mbps, nhưng cũng có vị trí chỉ hơn 50 Mbps dù chỉ cách nhau vài mét, đo cùng một phần mềm trên cùng một thiết bị cơ bản tại cùng một thời điểm". 

 

Anh Minh cho rằng với tốc độ phập phù như vậy chỉ có thể "xài trải nghiệm cho vui chứ chưa thể chuyển hẳn sang dùng gói cước 5G trả tiền".

 

Nhiều người dùng khác cũng phản ánh tốc độ 5G thay đổi tùy vào vị trí của thiết bị. Nhiều vị trí cho tốc độ rất tốt, từ 200 - 400 Mbps, nhưng cũng có không ít vị trí chỉ cho tốc độ vài chục Mbps, không khác biệt 4G.

 

Để kiểm chứng, phóng viên Tuổi Trẻ đã đi đo tốc độ 5G của Viettel tại một số khu vực ở TP.HCM trong chiều 3-11. Theo đó, tốc độ phổ biến tại nhiều nơi ở các quận Phú Nhuận, quận 3, quận 5, quận Bình Thạnh dao động trong khoảng 100 - 300 Mbps. 

 

Nhiều nơi cho mức tốc độ khá cao: gần 600 Mbps. Tuy nhiên cũng có một số nơi, như khu vực đường Hoa Phượng (quận Phú Nhuận), tốc độ sau vài lần đo đều chỉ 60 - 64 Mbps. 

 

Các lần đo kiểm của Tuổi Trẻ đều được thực hiện bằng phần mềm SpeedTest của Ookla trên cùng một smartphone.

 

Loạt lý do khiến 5G chưa mạnh

 

Trước phản ánh thực tế 5G mà nhiều nơi như 4G, ông Hoàng Đức Thanh - phó giám đốc Trung tâm kỹ thuật toàn cầu, Công ty mạng lưới Viettel - giải thích: "Tốc độ đo kiểm phụ thuộc rất nhiều vào vị trí của khách hàng, gần trạm hay xa trạm, sóng tốt hay không. 

 

Thứ hai là server (máy chủ) mình định tuyến (kết nối) vào đấy để đo kiểm. Thứ ba là số lượng người đang trải nghiệm đồng thời...".

 

Cụ thể, theo ông Thanh, do có quá nhiều người vào đo kiểm đồng thời trong bối cảnh trạm 5G chưa nhiều như trạm 4G nên số lượng thuê bao có nhu cầu đo kiểm đồng thời dồn vào trạm 5G nhiều hơn. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến 5G nhiều lúc cảm nhận tương đương 4G.

 

Lý giải về vùng phủ sóng 5G chưa rộng được như 4G, Viettel cho biết trong giai đoạn đầu tập trung triển khai 5G tại khu vực thủ phủ tỉnh, các khu công nghiệp, khu du lịch, các khu vực có nhiều thuê bao... chứ chưa triển khai diện rộng. 

 

Ngoài ra, 5G sử dụng băng tần cao hơn 4G (5G dùng 2.6Ghz, 4G dùng 1.8Ghz), suy hao trên tần số 2.6Ghz lớn hơn suy hao trên tần số 1.8Ghz nên 5G có vùng phủ bé hơn so với 4G từ 15 - 20%. "Với lộ trình triển khai và đặc điểm kỹ thuật, tần số như trên đã lý giải tại sao vùng phủ sóng 5G tại thời điểm hiện tại chưa được rộng", đại diện Viettel trả lời Tuổi Trẻ.

 

Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Tâm, phó tổng giám đốc phụ trách quy hoạch mạng lưới Tổng công ty Mạng lưới Viettel, cho biết vùng phủ 5G còn phải dựa vào lượng thiết bị đầu cuối 5G. 

 

"Lúc chúng tôi bắt đầu nghiên cứu là 7-8% (thiết bị hỗ trợ 5G) thì đến giờ, sau nhiều cú hích, thì lên đến 15% và chủ yếu là sẽ tập trung ở khu vực thành thị. 

 

Vì vậy mà chiến lược triển khai của chúng tôi và cũng của tất cả các nhà mạng trên thế giới đối với 5G là tập trung triển khai ở thành thị trước, sau đó theo các năm sẽ lan tỏa dần ra", bà Tâm nói.

 

Nên cân nhắc khi mua gói 5G

 

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Thành Phước (giám đốc Bệnh viện điện thoại, laptop 24h) cho rằng có một số nguyên nhân khiến tốc độ 5G thay đổi thất thường, dù nhà mạng quảng cáo tốc độ 5G phổ biến có thể đạt tới 1 Gbps, gấp 10 lần 4G. 

 

Thứ nhất, 5G sử dụng các băng tần cao để đạt tốc độ nhanh nhưng lại dễ bị cản trở bởi vật liệu như tường, cửa kính hoặc cây cối. 

 

Do đó, tốc độ 5G có thể giảm ở những khu vực có nhiều vật cản hoặc không có tầm nhìn thẳng tới trạm phát sóng. Trong khi đó, sóng 4G (thường hoạt động ở băng tần thấp hơn so với 5G) ít bị ảnh hưởng bởi vật cản.

 

Thứ hai, tốc độ 5G phụ thuộc vào khoảng cách giữa thiết bị và trạm phát sóng (4G cũng tương tự). Tuy nhiên hiện nay 4G đã phủ sóng dày đặc nên người dùng ít nhận ra các điểm "lõm" sóng.

 

Thứ ba là dung lượng và khả năng xử lý của trạm phát. Trong các khu vực đông dân hoặc có nhiều thiết bị kết nối cùng lúc, dung lượng của trạm phát sóng có thể bị quá tải, khiến tốc độ 5G giảm đi. 

 

Các trạm phát sóng nhỏ (small cells) thường được triển khai để hỗ trợ, nhưng không phải nơi nào cũng được trang bị đầy đủ.

 

Cũng theo ông Phước, 5G là một công nghệ đang phát triển, tốc độ cũng phụ thuộc vào thời gian trong ngày khi lưu lượng mạng thay đổi. Với những ngày gần đây khi các nhà mạng lần lượt chính thức tung ra nhiều gói cước 5G, tốc độ mạng có thể giảm đáng kể do bùng nổ số lượng người dùng cùng kết nối.

 

"Vì vậy, ở góc độ chuyên gia, chúng tôi khuyên người dùng nếu sống ở khu vực có hạ tầng 5G tốt mới nên cân nhắc chuyển sang 5G. Nếu bạn chỉ sử dụng các tác vụ mạng thông thường và muốn đảm bảo độ ổn định, 4G vẫn là lựa chọn hợp lý vào thời điểm hiện tại" - ông Phước khuyến cáo.