Văn Đinh Hồng Vũ – CEO Elsa speak từng là người châu Á đầu tiên giữ vị trí trợ lý Tổng giám đốc của Maersk. Sau đó, Văn Đinh Hồng Vũ là thành trưởng dự án cấp cao cho Booz and Company. Tuy nhiên, CEO Elsa speak lại quyết định từ bỏ công việc mà nhiều người mơ ước để đến với con đường khởi nghiệp đầy thách thức.
Năm 2016, Văn Đinh Hồng Vũ cho ra đời ứng dụng Elsa speak – một ứng dụng luyện nói tiếng Anh miễn phí. Đến thời điểm hiện tại, startup này đã nhận tổng mức đầu tư 12 triệu USD từ các quỹ đầu tư nổi tiếng trên thế giới. Ứng dụng hiện có 4 triệu lượt người dùng tại 101 quốc gia. Đồng thời ứng dụng Elsa speak cũng lọt vào top 5 ứng dụng AI hàng đầu thế giới.
Tại Talk Show "AI- Blockchain – Và câu chuyện khởi nghiệp" vừa qua, CEO Elsa speak đã trải lòng về quá trình khởi nghiệp khởi nghiệp và đưa ra những bài học thiết thực cho các startup.
Từng nghĩ sẽ không bao giờ khởi nghiệp
Hiện tại, Văn Định Hồng Vũ đã khởi nghiệp thành công nhưng ít ai biết được rằng, trước đó vị CEO này từng nghĩ sẽ không bao giờ khởi nghiệp.
Vị CEO chia sẻ tại sự kiện: "Trước khi khởi nghiệp, câu chuyện khởi nghiệp với tôi rất là xa. Vì tôi chỉ nghĩ rằng mình ra trường và tìm một công việc sau đó từ từ thăng tiến cũng đã là thành công rồi. Vì nếu khởi nghiệp mình sẽ không biết bắt đầu từ đâu và khởi nghiệp là gì?"
Ngay cả khi theo học tại Stanford ở gần thung lũng Silicon – cái nôi của khởi nghiệp, xung quang Văn Đinh Hồng Vũ có rất nhiều bạn bè khởi nghiệp nhưng vị CEO này cũng chưa từng một lần nghĩ đến khởi nghiệp.
CEO Elsa speak chia sẻ rằng, một trong những lý do khiến cô không nghĩ đến khởi nghiệp vì nhìn từ thực tế, hành trình khởi nghiệp rất dài, rất gian nan; kể cả khi có thành công đi chăng nữa thì đó cũng là một thách thức quá lớn.
CEO Elsa speak thổ lộ, cô học Đại học ở Việt Nam và ngoại ngữ là một trong những công cụ giúp cô có thể đạt được ước mơ lớn. Nhưng khi bắt đầu đến Mỹ, Văn Đinh Hồng Vũ mới nhận ra rằng, ngoại ngữ chính là rào cản làm cô mất đi sự tự tin mặc dù cô đọc rất tốt, viết rất tốt, tuy nhiên khi cô nói tiếng Anh thì không ai hiểu. Và cô tin rằng đó không chỉ là khó khăn của bản thân mình mà còn là khó khăn của rất nhiều sinh sinh viên khác.
"Mọi người bỏ ra rất nhiều tiền để học tiếng Anh nhưng lại không thể sử dụng nó. Tôi nhìn xung quanh thì chưa ai giải quyết được vấn đề này. Và đây là một trong những vấn đề ngày càng quan trọng nên tôi quyết định khởi nghiệp dù chặng đường đó rất cô đơn và dễ thất bại".
Sau tất cả, Văn Đinh Hồng Vũ vẫn lựa chọn theo đuổi con đường khởi nghiệp cô cho rằng, khởi nghiệp là để thực hiện ước mơ, trăn trở có thể giải quyết bài toán nói tiếng Anh như người bản địa cho nhiều người. Đồng thời, cô cũng nhận thấy rằng, vấn đề mà mình muốn giải quyết chưa ai làm và đây là một trong những cơ hội lớn.
Câu chuyện về sự thất bại đầu tiên tại Đại học Stanford
CEO Elsa speak chia sẻ rằng những ngày đầu học học tại Stanford là những ngày cô đã gặp phải những thất bại đầu tiên vì sự tự tin thái quá. Trong suốt quá trình học tập trước đây, vị CEO này luôn luôn đạt điểm cao, vì thế cô luôn tin tưởng mình có thể được nhận vào làm việc ở bất kỳ đâu.
"Tôi luôn nghĩ điểm của mình cao nên các công ty họ sẽ cần mình nhiều hơn là mình cần họ. Và chưa bao giờ tôi nghĩ rằng tôi không được các công ty nhận vào", CEO Elsa speak nói.
Nhưng mọi thứ xảy đến đều không giống những gì CEO Elsa speak đã tin tưởng, khi năm đầu tiên tại Stanford cô phải đi thực tập mùa hè. Dù đã rải hồ sơ ở rất nhiều công ty nhưng vị CEO này đã không được bất kỳ một công ty nào nhận, thậm chí họ còn không mời cô đến để phỏng vấn.
Dù bạn có giỏi đến đâu thì hãy bắt đầu từ "mặt đất" và bắt đầu từ những gì mà bạn có. Thất bại thường đến từ sự ngông cuồng.
"Do bản thân tôi quá tự tin, mình luôn coi mình ở trên trời và thực tế đã tạt cho mình một gáo nước lạnh. Thất bại đó đến từ việc mình đã ngông cuồng, mình đã nghĩ mình giỏi hơn mọi người. Chính vì thế vì đã không xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình", Văn Đinh Hồng Vũ trải lòng.
Với thất bại đầu tiên này, vị CEO này khuyên các startup trẻ nên biết mình là ai? Mình có những gì, mình mạnh ở điểm nào để có thể có hướng phát triển cụ thể nhất ngay từ khi bắt đầu. Đồng thời, cô muốn nhắn nhủ đến những người trẻ rằng, dù bạn có giỏi đến đâu thì hãy bắt đầu từ "mặt đất" và bắt đầu từ những gì mà bạn có.
Đừng bắt đầu bằng giải pháp mà hãy bắt đầu từ "nỗi đau" của người sử dụng
CEO Elsa speak nhận định, khi bắt đầu khởi nghiệp, các startup thường bắt đầu từ những giải pháp mà họ nghĩ ra để giải quyết một vấn đề nào đó.
"Khi tôi nghĩ ra giải pháp và tôi đã nghĩ mình có công nghệ hay và cứ thế đưa ra những sản phẩm. Tôi đã nghĩ rằng người tiêu dùng họ thấy công nghệ hay thì họ phải sử dụng".
Nhưng sau tất cả những thất bại và thành công có được, nữ CEO đưa ra lời khuyên cho các startup là hãy bắt đầu khởi nghiệp khi hiểu được nỗi đau của người dùng rồi từ đó mới đi tìm giải pháp.
Nếu hiểu được nỗi đau của người dùng thì sẽ tìm ra rất nhiều giải pháp để giải quyết vấn đề đó. Lúc đó, bạn có thể thử nhiều giải pháp, kiểm tra từng giải pháp cho đến khi tìm được giải pháp hữu hiệu nhất. Để nhanh chóng, nếu thử giải pháp một không được gì chuyển qua giải pháp khác ngay lập tức để tránh mất chi phí cơ hội.
Bình luận