Mô hình quen thuộc "vay người sau trả người trước" được một số doanh nghiệp (DN) nhỏ áp dụng để chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng của các nạn nhân một lần nữa đặt ra vấn đề pháp lý cũng như bài học cho người dân khi GFDI không phải DN đầu tiên và cũng không là DN cuối cùng bẫy nạn nhân với "miếng mồi" lãi suất cao.
"Miếng mồi" cũ, nạn nhân mới
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Huỳnh Hoàng Phương, cố vấn mảng quản lý gia sản của FIDT (chuyên đầu tư và quản lý tài sản), cho biết huy động tiền gửi dân cư chỉ có các tổ chức tín dụng được phép thực hiện.
Trong khi đó, ngoài kênh trái phiếu, cổ phiếu và tín dụng, DN thường huy động vốn bằng các phương thức khác như: hợp tác đầu tư, vay nợ từ cá nhân, tổ chức...
Với vụ GFDI, ông Phương cho rằng công ty này có dấu hiệu hoạt động theo mô hình Ponzi đa cấp (lấy tiền của người sau để trả lãi cho người trước). Mô hình Ponzi này từng xuất hiện tại nhiều quốc gia phát triển và du nhập vào Việt Nam từ nhiều năm trước.
"Do vậy, cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, phát hiện kịp thời những hành vi vi phạm", ông Phương nói.
Giải thích lý do GFDI có thể dễ dàng huy động vài nghìn tỉ đồng mà không bị "tuýt còi", luật sư Trương Thanh Đức, giám đốc Công ty luật ANVI, cho rằng DN được phép tự do huy động vốn dưới nhiều hình thức khác nhau như bán cổ phần, trái phiếu; nhận tiền góp vốn hợp tác kinh doanh; vay tiền các tổ chức tín dụng, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Và nếu huy động vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh thật, không có gian dối, lừa đảo hay cố ý chiếm đoạt, việc không trả được tiền gốc và lãi do thua lỗ, thất bại không bị coi là vi phạm pháp luật.
Khi đó, DN được phép hoặc buộc phải phá sản để thanh lý tài sản và giải phóng nghĩa vụ trả nợ. Chủ sở hữu, chủ nợ, nhà đầu tư, khách hàng... đều có thể bị mất cả vốn lẫn lãi.
Song với trường hợp GFDI, công an đã tiến hành xem xét thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến việc huy động vốn trái phép, lừa đảo tài chính của DN này.
"Không riêng vụ GFDI, hàng chục năm qua, việc huy động vốn của nhiều DN có yếu tố gian lận, lừa dối về nhiều thứ, từ năng lực, dự án, hiệu quả, mục đích sử dụng vốn cho đến việc biển thủ, chiếm đoạt", ông Đức cho hay.
Cũng theo ông Đức, huy động vốn với hứa hẹn trả lãi cao gấp nhiều lần lãi suất tiền gửi ngân hàng là cách làm xưa cũ nhưng vẫn lừa được quá nhiều nạn nhân.
"Lãi suất cao ngất ngưởng xưa nay đều là mồi nhử có thể tiêu diệt hầu hết mọi con mồi. Quá nhiều vụ, chỉ với miếng mồi lãi suất hấp dẫn, trong một thời ngắn tội phạm đã vơ vét và chiếm đoạt được hàng nghìn tỉ của nạn nhân", ông Đức nhấn mạnh.
Lãi suất cao bất thường là dấu hiệu của lừa đảo?
Theo PGS.TS Trần Việt Dũng - viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng), chỉ các ngân hàng mới được nhận tiền gửi của cá nhân và trả lãi suất huy động. Trong khi đó, thông qua hình thức hợp đồng vay tài sản, một số DN, trong đó có GFDI, có thể huy động số tiền lớn của người dân với lãi suất theo thỏa thuận.
"Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên. Theo đó, bên cho vay giao tài sản cho bên vay. Khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định", ông Dũng dẫn quy định tại Bộ luật Dân sự.
Theo điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, lãi suất vay không được vượt quá 20% mỗi năm trừ khi pháp luật có quy định khác.
Tuy nhiên theo ông Dũng, để không vượt quá mức lãi suất khống chế, nhiều đối tượng đã tìm đủ cách "lách" luật. Chẳng hạn, GFDI gộp luôn tiền lãi suất vào vốn gốc... trong hợp đồng vay tài sản với người dân. Điều này sẽ gây khó khăn trong việc kiểm soát các công ty đưa ra lãi suất "không tưởng".
Cũng theo ông Dũng, khoảng trống pháp luật có thể có nhưng chủ yếu vẫn là việc đánh vào lòng tham, chưa hiểu biết về tài chính của một bộ phận người dân.
Lẽ ra khi nhận được một lời mời huy động với lãi suất gần 50%, trước tiên cần hỏi lợi nhuận này thực sự đến từ đâu? Bởi rất khó để có thể tạo ra mức lãi suất 50% nếu chỉ kinh doanh thông thường.
Ông Đặng Trần Phục, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần AzFin Việt Nam, cũng cho rằng nếu một DN có thể trả lãi suất cao đều đặn, đồng nghĩa với việc tạo ra mức lợi nhuận rất tốt.
"Với phương án kinh doanh tốt, tài chính lành mạnh, DN có thể đi vay ngân hàng với chi phí vay chỉ hơn 10% - thấp hơn rất nhiều so với con số phải bỏ ra để vay người dân", ông Phục chỉ ra điểm bất thường.
Do đó, lời mời lãi suất trên 30% là bất thường, bởi không có DN nào có thể thường xuyên tạo ra lợi nhuận này để trả lãi.
"Ngay cả các tập đoàn làm ăn hiệu quả nhất Việt Nam, hiệu quả sinh lời trên vốn chủ sở hữu là 25%. Với mức lợi nhuận này, DN có thể tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn từ ngân hàng hay qua thị trường chứng khoán, không cần huy động nhỏ lẻ với mức lãi suất khủng", ông Phục nói.
Bình luận