Ngày 30/5, tại Nghị quyết số 84 về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Một trong những giải pháp mà Thủ tướng yêu cầu là cấp phép thí điểm theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money).

Trong phát biểu về thúc đẩy chính phủ điện tử gần đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý rằng, một điểm rất quan trọng là phải thúc đẩy nhanh thanh toán điện tử, phải mở thật nhanh để cho người dân có thể thanh toán trên di động. 

Còn Bộ TT&TT cho biết, chậm nhất đến tháng 6/2020 sẽ triển khai dịch vụ Mobile Money. Bộ TT&TT đề nghị các doanh nghiệp chuẩn bị kỹ đề án và cơ sở vật chất để triển khai nhanh khi có giấy phép cung cấp dịch vụ này. 

Trước việc Mobile money được triển khai, có một số ý kiến bày tỏ băn khoăn về sự tồn tại, phát triển cũng như cạnh tranh của Mobile money với hơn 20 loại ví điện tử hiện nay đang có mặt trên thị trường. 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính cho biết, Mobile Money khi đi vào hoạt động sẽ dễ dàng sử dụng và thuận tiện hơn ví điện tử nên dễ dẫn đến sự cạnh tranh giữa tiền di động với các ví điện tử khác. 

Vị chuyên gia lý giải, thực chất mobile money cũng là một hình thức tương tự ví điện tử. Mobile money là một cách làm tốt giúp người dân không có tài khoản ngân hàng, có thể mở các tài khoản nhỏ di động để từ đó thanh toán thay thế tiền mặt, đây là mặt tích cực, nhưng phải làm sao để quản lý được?

Và TS Hiếu phân tích, hiện nay Chính phủ đã chấp thuận về mặt nguyên tắc cho 3 hãng viễn thông lớn nhất của Việt Nam là Viettel, MobiFone, VinaPhone triển khai dịch vụ Mobile Money. Những hãng viễn thông này họ sẽ nhận tiền của khách hàng, sau đó mở 1 tài khoản cho khách hàng. Số tiền mà khách hàng gửi vào tài khoản đó để sử dụng và thanh toán cũng tương tự 1 loại ví điện tử. Tuy nhiên, với Mobile Money lại có sự khác biệt hơn.

Ông Hiếu lấy ví dụ, chẳng hạn như khi sử dụng ví điện tử, khách hàng muốn bỏ tiền vào ví điện tử thì phải thông qua ngân hàng của mình (tức là họ phải chuyển tiền từ tài khoản của ngân hàng của mình vào tài khoản của nhà phát hành ví điện tử sau đó mới được sử dụng để thanh toán). Còn với tiền di động thì khách hàng có thể rút ngắn được 1 bước. Thay vì phải dùng tài khoản ngân hàng của mình và chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản của nhà phát hành ví điện tử. Khi sử dụng Mobile money, khách hàng chỉ cần trực tiếp nộp tiền mặt của mình vào 1 trong 3 hãng viễn thông trên để họ có thể mở ra những tài khoản để thanh toán mà không phải thông qua hệ thống ngân hàng. 

Theo TS Hiếu đánh giá, triển khai mobile money sẽ đặc biệt hữu ích ở các vùng sâu vùng xa, những vùng mà người dân không có tài khoản, không có dịch vụ ngân hàng. Đây cũng là mong muốn của Chính phủ dần dần tiến tới 1 nền kinh tế phi tiền mặt. 

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, dù có nhiều ưu điểm, nhưng việc triển khai tiền di động tại Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và thách thức.

Thứ nhất, cần phải quản lý được các công ty viễn thông khi nhận tiền của khách hàng. Các công ty này bắt buộc phải cam kết chỉ sử dụng số tiền do khách hàng đã gửi để thanh toán mà không được sử dụng số tiền đó cho mục đích đầu tư riêng của họ. 

Mặc dù số tiền bỏ vào tiền di động có thể nhỏ, có thể vài chục triệu tối đa cho 1 người. Nhưng nếu nhiều người tham gia vào chương trình này thì số tiền đó có thể lên rất lớn. Chính vì thế phải đảm bảo số tiền bỏ vào mobile money không được sử dụng cho tất cả các mục đích khác, ông Hiếu nói. 

Thứ hai, dù tiền của mỗi người dân bỏ vào tiền di động này có thể rất nhỏ hay cực nhỏ nhưng không loại trừ khả năng họ có thể rửa tiền, tiền bẩn chẳng hạn như: từ ma túy, mại dâm hoặc các hoạt động trốn thuế. Tiền đó có thể được chuyển vào trong tiền di động qua nhiều người chia nhỏ ra. Khi số tiền đó ở trong tài khoản của nhà mạng thì người sử dụng tiền đó họ có thể đi mua bán và làm bất cứ hoạt động giao dịch nào mà không phải qua sự kiểm soát của cơ quan chức năng nên có rủi ro về rửa tiền 

Thứ ba, rủi ro về chính sách tiền tệ, bởi vì nếu không cẩn thận chúng ta trao cho các doanh nghiệp, các công ty viễn thông lớn chức năng tạo tiền (người dân bỏ tiền vào cho họ và họ phát hành ra 1 loại tiền mới là tiền di động). Tiền di động này nếu chỉ dựa trên số tiền của người dân đóng vào thì có thể không ảnh hưởng đến cung tiền. Thế nhưng nếu kiểm soát không kỹ, những công ty viễn thông đó họ phát hành ra tiền di động cho chính họ hay cho những thành phần kinh tế khác nữa, tiền đó đi vào trong lưu thông sẽ trở thành nguồn cung tiền. Cung tiền đó ảnh hưởng đến cung tiền M1, M2, M3 của hệ thống tài chính tiền tệ. Do đó, sẽ có sự tác động của tiền di động vào chính sách tiền tệ. 

 

Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang có chức năng cung tiền ra thị trường và quản lý. Nhưng việc cho nhà mạng tạo tiền thì ai sẽ quản lý? Nếu không có cơ chế quản lý việc này, sẽ làm thay đổi cung tiền trên quốc gia, ông Hiếu nhấn mạnh. 

Cũng theo ông Hiếu chia sẻ, cho tới bây giờ vẫn chưa thấy một quy định cụ thể nào. Nếu là NHNN thì NHNN không thể quản lý các công ty viễn thông mà chỉ quản lý các ngân hàng và tổ chức tài chính. Do đó, nếu giao cho ngân hàng quản lý tiền di động thì tiền di động này không nằm trong phạm trù quản lý của NHNN. 

Mặt khác, nếu không giao cho NHNN mà giao cho Bộ tài chính hoặc 1 cơ quan nào đó về an ninh tiền tệ quản lý những công ty này thì việc phối hợp của họ với NHNN như thế nào vì nó ảnh hưởng đến ngân sách tiền tệ quốc gia. 

Bài học cách đây mấy năm đã cho thấy, nhiều người có thể lợi dụng kẽ hở để đánh bạc bằng thẻ cào điện thoại. Mobile money cũng tương tự như vậy nếu không có sự quản lý. 

Chính vì vậy, ông Hiếu khẳng định, với đặc thù là sản phẩm công nghệ cao, được cung cấp chủ yếu qua các nhà mạng, việc giám sát và quản lý tiền di động cũng yêu cầu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan như NHNN, Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an… Các phương án quản lý và bảo mật cũng cần được xây dựng phù hợp, đề đối phó với tội phạm công nghệ thông tin hoặc các đối tượng khác. 

Mặt khác, mạng lưới đại lý phát triển cũng tiềm ẩn rủi ro về trình độ nhận thức, phát sinh trường hợp thu phí bất hợp pháp từ các giao dịch gửi, rút tiền của khách hàng, thậm chí mạo danh nhà cung cấp để lừa gạt người gửi tiền…  Việt Nam còn cần phải tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý cho tiền di động. 

Cuối cùng, TS Hiếu khuyến cáo, khi triển khai mobile money thì cần định danh, xác thực khách hàng để thực hiện các giao dịch giả mạo, gian lận. 

 


Theo Tri Thức Trẻ