Tại Hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai nhiệm vụ 2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức ngày 28/12, Bộ TT&TT đã trình Thủ tướng xem xét phương án dừng công nghệ di động cũ 2G vào năm 2022.
Hiện nay trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại đồng thời 3 công nghệ di động mặt đất là GSM (2G) triển khai năm 1990, 3G triển khai từ năm 2009 và 4G triển khai từ năm 2016 và dự kiến triển khai thương mại 5G trong năm 2020. Như vậy, Việt Nam hiện là một trong các nước đi đầu khu vực ASEAN về triển khai thương mại 5G.
"Thử nghiệm 5G năm 2019 và thương mại hóa năm 2020 là tuyên bố từ nay Việt Nam sẽ đi cùng nhịp với thế giới về công nghệ, không còn độ trễ 7 năm hay 8 năm như đối với 3G, 4G nữa. Ngành TT&TT chỉ có thể thay đổi thứ hạng Việt Nam nếu đi cùng nhịp với nhóm dẫn đầu thế giới", Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Tắt sóng 2G là thông điệp mạnh mẽ về việc muốn đi nhanh thì phải bỏ đi gánh nặng của quá khứ. Sau 30 năm, 2G đã hoàn thành sứ mạng của nó, mỗi người dân đã có một chiếc điện thoại. Việc tắt sóng 2G và hỗ trợ máy 4G cho người dân sẽ giúp đưa Việt Nam thành một trong số ít các nước với 100% là máy điện thoại thông minh và sẵn sàng cho công dân điện tử.
Cũng tại hội nghị, một công bố quan trọng đã được đưa ra, là Vingroup và Viettel đã sản xuất được thiết bị 5G. Đây là điều đặc biệt, bởi trên thế giới, mới chỉ có 5 nước sản xuất được thiết bị 5G.
Việc làm chủ thiết bị 5G có ý nghĩa chiến lược quốc gia, Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất, phổ cập thiết bị 5G.
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, tổng doanh thu viễn thông năm 2019 đạt gần 470.000 tỷ đồng. Số thuê bao băng rộng có sự gia tăng đáng kể, trong đó băng rộng di động (3G, 4G) đạt 61,3 triệu thuê bao, chiếm 48,7% tổng số thuê bao di động (tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2018). Tốc độ băng rộng di động tải xuống thống kê đến quý 4/2019 là 29,08 MBps, tiệm cận với tốc độ trung bình của thế giới (30,93 Mbps).
theo Chinhphu.vn
Bình luận