Ăn mặc trẻ trung, nụ cười duyên luôn thường trực trên môi, thật khó nhận ra Nguyễn Hạ Đoan, nhà sáng lập và Giám đốc điều hành của Dream Dress đã sắp bước vào tuổi 40.

 

nguoi-muon-moi-1Khi đã hứng thú thì Đoan làm việc hết mình, sáng tạo hết mức có thể nhưng khi đã hết hứng thú, Đoan không thể làm gì được nữa và… chán. Đó là lúc Đoan dừng lại

 

Công ty của Hạ Đoan - Dream Dress - kinh doanh dịch vụ cho thuê trang phục trực tuyến duy nhất hiện nay tại Việt Nam) Hạ Đoan chia sẻ, du lịch và thời trang là 2 sở thích của chị. Mỗi lần đi du lịch chị đều mua sắm rất nhiều trang phục để… mặc dần.

 

“Cứ mỗi tháng Đoan đi Mỹ 2 lần, mỗi lần đều mua rất nhiều quần áo. Có lần mình Đoan phải dùng tới 6 vali để đựng đồ”, chị bật mí và cho biết, mặc dù có tận 3 tủ quần áo đồ sộ ở nhà nhưng mỗi sáng thức dậy chị đều có cảm giác “không có gì để mặc”.

 

Luôn mới, đẹp mà không quá tốn

 

Đây là cảm giác của rất nhiều phụ nữ khi mỗi sáng đi làm bởi không muốn mặc lại những bộ trang phục đã từng mặc. “Tại sao mình không làm một tủ áo chia sẻ để mọi người có thể chia sẻ với nhau những trang phục còn đẹp, còn mới mà với nhiều người khác vẫn chưa có kịp tiếp cận”, Đoan bắt tay vào thực hiện ngay ý tưởng của mình bằng việc bỏ tiền đầu tư mua mới gần 800 bộ quần áo váy đầm và khoảng 200 món phụ kiện đi kèm dành riêng cho khách hàng nữ.

 

“Cái áo này Đoan mua ở Bali, đôi giày thì ở Mexico. Khi mình biết kết hợp thì tự nhiên sẽ có một bộ trang phục mới mẻ theo sở thích riêng của mình”, Nguyễn Hạ Đoan vui vẻ chia sẻ tại văn phòng đặt tại không gian làm việc trung Dreamplex (nơi Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ghé qua trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua). Tại văn phòng mở này, ý tưởng về dịch vụ chia sẻ trang phục mang tên Dream Dress đã ra đời từ cuối năm 2015 và bắt đầu được đưa vào vận hành cách đây 4 tháng.

 

Phân khúc khách hàng của Dream Dress là các quý cô từ 22 – 40 tuổi với thu nhập trung bình, đây là những đối tượng khách hàng có nhu cầu thay đổi trang phục thường xuyên và luôn muốn xây dựng hình ảnh bản thân mình đẹp và mới trong mắt đồng nghiệp hoặc đối tác. Do đó, mức giá thuê của 70% số trang phục tại Dream Dress vào khoảng từ 120.000 – 500.000 đồng/ ngày, bộ váy có mức giá thuê cao nhất là 1,5 triệu đồng.

 

Bên cạnh đó trang thương mại điện tử này còn có dịch vụ Dream Dress Share. Bản thân khách hàng có thể tạo tài khoản trên trang web và đăng ký cho thuê, chia sẻ lợi nhuận với chủ dịch vụ. Dịch vụ này sẽ cho phép người dùng có thể chia sẻ sản phẩm của mình và kiếm thêm thu nhập ngay tại đó. Điều này cũng giúp cho kho hàng của Dream Dress đa dạng hơn và mang đến cho khách hàng nhiều sự lựa chọn hơn. Người cho thuê sẽ nhận 50% từ phí cho thuê, tiền được chuyển vào tài khoản vào cuối mỗi tháng.

 

Theo chị, nền kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh. Thế giới đã cung cấp nhiều dịch vụ như thế và Việt Nam chắc chắn cũng đi theo hướng này. Vấn đề là thời gian và Hạ Đoan muốn là người đi đầu xu hướng này. Dù theo chị, vốn đầu tư là vô cùng tốn kém. “Mặc dù hiện nay đang bỏ tiền túi ra làm nhưng lợi thế của Đoan hiện nay là duy nhất trên thị trường, không có đối thủ và Đoan tự tin mình sẽ làm tốt”.

 

Luôn mới mẻ và tràn đầy hứng khởi

 

Trên thế giới đã có nhiều trang thương mại điện tử cung cấp dịch vụ cho thuê quần áo như Dream Wardrobe, Glam Corner, Girl Meet Dress, Rent the Runway… Trong đó, Rent the Runway đã thành lập cách đây 9 năm và vừa nhận được 125 triệu USD từ các quỹ đầu tư. Doanh thu dự kiến của Rent the Runway trong năm 2016 là 100 triệu USD.

 

Ngay từ khi ý tưởng của Hạ Đoan thành hiện thực, đã có 1 quỹ đầu tư của Hồng Kong ngỏ lời đầu tư nhưng chị từ chối. “Giai đoạn này Đoan chưa cần quỹ đầu tư vì Đoan ngại rằng giai đoạn này mà nhận tiền của quỹ thì họ sẽ dẫn mình đi một hướng khác với mong muốn ban đầu của mình. Hơn nữa bản thân Đoan làm kinh doanh muốn thoải mái, không muốn tạo áp lực quá nhiều cho bản thân mình. Sau này, khi Đoan muốn mở rộng hơn, phục vụ cả đối tượng nam giới và trẻ em, có thể cần nhiều vốn hơn thì Đoan sẽ xem xét lại”, chị cho hay.

 

nguoi-muon-moi2

 

Chỉ mới đưa vào sử dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhưng Dream Dress đã thu hút lượng xem khổng lồ với 3.000 thành viên và 500 lượt chia sẻ trang phục và thuê trang phục. “Kết quả này phần nào chứng minh được Đoan đã đi đúng đường rồi”, chị vui mừng chia sẻ.

 

Trước đó, Hạ Đoan đã từng rất thành công trong vai trò cung cấp dịch vụ cưới thông qua trang web cleo.vn. Với những ý tưởng độc đáo, mới lạ cùng niềm đam mê sáng tạo và quyết tâm cao độ, trong khoảng 3 năm cung cấp dịch vụ này, Hạ Đoan đã biến nhiều bữa tiệc cưới của các cặp đôi trên khắp mọi miền cả nước thành những bữa tiệc trọn vẹn và đáng nhớ hơn nhờ cách bài trí không gian cưới trẻ trung và mới lạ. Đam mê thử thách, thích khám phá cái mới và theo đuổi mục tiêu đến cùng là những tố chất khiến Hạ Đoan nhanh chóng gặt hái được thành công khi quyết định dấn thân vào một lĩnh vực hoàn toàn mới với Cleo, dù trước đó chị cũng không hề hay biết gì về công việc wedding stylist.

 

Bí quyết thành công của Dream Dress

 

* Tiên phong trong chia sẻ trang phục.

 

* Cho phép người dùng được chia sẻ sản phẩm của chính mình và có thêm thu nhập.

 

* Tận dụng tối đa các công cụ trợ giúp

Trước khi khởi nghiệp với Cleo và sau này là Dream Dress, Hạ Đoan từng đảm nhận vị trí Giám đốc marketing cho Qmobile. 10 năm trong vai trò Giám đốc Marketing của Qmobile, công ty cung cấp dịch vụ di động hiếm hoi ở Việt Nam, có thể nói rằng Hạ Đoan đã đóng góp không nhỏ vào thành công của hãng điện thoại thương hiệu Việt này, góp phần đưa Qmobile qua mặt cả Samsung để thành thương hiệu điện thoại đứng thứ 2 trên thị trường lúc đó, chỉ sau Nokia.

 

Công việc vẫn đang xuôi chèo mát mái, vị trí của Đoan khi đó cũng là niềm khao khát của nhiều người, nhưng vốn là người không dễ bằng lòng với bản thân, Đoan thấy vị trí hiện tại, công việc hiện tại đã không còn nhiều cái mới và mất dần hứng thú. Quyết định nghỉ ngang của Đoan khiến không ít người trong ban lãnh đạo công ty tiếc nuối. Chỉ mình chị thấy đó là thời điểm thích hợp để mình kết thúc một chặng đường và đi tiếp giai đoạn tiếp theo.

“Khi đã hứng thú thì Đoan sẽ làm việc hết mình, sáng tạo hết mức có thể, nhưng khi đã hết hứng thú, Đoan không thể làm gì được nữa và… chán. Đó là lúc Đoan dừng lại, dù lúc đó là thời điểm đỉnh cao”, Hạ Đoan tự đúc kết về mình.

 

Đó là lúc Đoan bắt đầu với Cleo. Và chỉ sau khoảng 3 năm, khi Cleo trở thành nhà cung cấp dịch vụ cưới không đối thủ nào có thể qua mặt với việc trung bình mỗi ngày cung cấp dịch vụ cho không dưới 4 đám cưới ở khắp các vùng miền, Đoan lại thấy… chán vì “chẳng còn gì để sáng tạo nữa, chỉ ngồi thu tiền mỗi ngày”. Hạ Đoan quyết định bán Cleo cho một nhà đầu tư khác với mức giá được chị bật mí là “quá hấp dẫn”, trong sự nuối tiếc của nhiều người.

 

Không tự tạo áp lực cho mình

 

Bước vào cuộc chơi mới với trang thương mại điện tử cho thuê trang phục, với Đoan cũng mới mẻ chẳng khác nào ngày chị rời Qmobile để khởi nghiệp với Cleo. Thế nhưng Đoan không quá lo lắng để rồi tự tạo ra cho mình quá nhiều áp lực. Với nhiều startup, ngày làm việc có thể kéo dài gần 24h đồng hồ. Đoan thì khác. “Sáng 10 giờ kém 15 Đoan có mặt ở cơ quan, chiều 5h là tắt máy ra về rồi. Tháng vừa rồi Đoan cũng đã đi du lịch 3 nơi”, chị chia sẻ và cho rằng chính niềm đam mê và yêu thích công việc mới giúp phát huy hết thế mạnh của mỗi người trong công việc.

 

Cũng chính bởi quan niệm khoáng đạt này, chị không đặt ra quá nhiều mục tiêu kinh doanh khắt khe cho bản thân và cho chính nhân viên của mình. “Thay vì quản lý mọi người về thời gian, về chỉ tiêu, Đoan sẽ hướng dẫn cho họ cách sử dụng các công cụ giúp công việc của mình nhẹ nhàng và hiệu quả hơn. Điều quan trọng là mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với công việc mình đang làm để cống hiến tốt nhất”, chị cho hay.

Lê Dung - DDDN