Ngày 31-10, UBND TP HCM tổ chức phiên họp đánh giá tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến lỡ kế hoạch
Một nội dung được phiên họp bàn sâu là công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2024. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Trung Kiên cho hay tính đến ngày 25-10, TP HCM giải ngân hơn 17.200 tỉ đồng, đạt 21,8% kế hoạch vốn được giao. Con số này thấp hơn mục tiêu các đơn vị đề ra hồi đầu năm là 29% sau 10 tháng.
Nguyên nhân là TP HCM mới bổ sung số vốn đầu tư công trung hạn lớn khi có Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. Nguyên nhân nữa là nhóm dự án được bổ sung vốn mới đang thực hiện thủ tục đầu tư, chưa đến bước giải ngân; cùng với đó là nhóm dự án vướng mắc do thay đổi quy định liên quan Luật Đất đai, Luật Đấu thầu.
Ngoài ra, TP HCM còn một số dự án cần xin ý kiến các cơ quan Trung ương nên tốc độ giải ngân chưa như mong muốn. Một số dự án nổi lên trong nhóm này là công trình giải quyết ngập do triều có tính tới biến đổi khí hậu, dự án metro số 1. Nhóm dự án này chiếm khoảng 10.000 tỉ đồng vốn đầu tư công của thành phố. Mặt khác, khoảng 4.000 tỉ đồng vốn đầu tư công còn nằm tại những dự án cần điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000 hoặc quy hoạch 1/500.
Theo ông Phạm Trung Kiên, thành phố có khoảng 32.000 tỉ đồng vốn đầu tư công đang vướng về bồi thường, giải phóng mặt bằng, như dự án rạch Xuyên Tâm, dự án bờ Bắc Kênh Đôi... Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công được xem là nhiệm vụ cấp bách trong những tháng cuối năm 2024. Các sở, ngành đang nỗ lực triển khai đồng loạt nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung giải quyết thủ tục hành chính với tinh thần "không tính bằng ngày mà hồ sơ đến là giải quyết ngay".
Khúc mắc được tháo gỡ
Làm rõ nhóm dự án vướng bồi thường, giải phóng mặt bằng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Võ Trung Trực thông tin năm 2024, toàn địa bàn có 176 dự án thuộc nhóm này.
Trước tháng 9, tổng vốn dự kiến bố trí chỉ hơn 21.000 tỉ đồng. Khi Luật Đất đai mới có hiệu lực, một số dự án đã tăng tổng mức đầu tư do đi kèm các quy định, chính sách hỗ trợ thêm hộ dân bị ảnh hưởng.
Ông Võ Trung Trực cho biết trước đó, trong thời gian chờ Luật Đất đai 2024 và các quy định cụ thể có hiệu lực, hàng loạt dự án trên địa bàn tạm ngưng thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Hiện nay, hầu hết quy định để thực hiện Luật Đất đai 2024 đã có hiệu lực. Vì thế, thành phố sẽ tập trung bồi thường tại 84 dự án với tổng vốn hơn 32.000 tỉ đồng trong tháng 11 và tháng 12 tới.
Cụ thể, tháng 11, TP HCM đặt mục tiêu giải ngân 36 dự án với tổng vốn khoảng 7.700 tỉ đồng. Đến tháng 12, TP HCM giải ngân 48 dự án còn lại với tổng số tiền hơn 25.000 tỉ đồng.
Lập "danh sách trách nhiệm"
Tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Văn Dũng khẳng định thành phố giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 là 7%-7,5%. Do vậy, cần thực hiện các giải pháp trọng tâm, hiệu quả để đạt mục tiêu này, đặc biệt là công tác giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Nguyễn Văn Dũng nhận xét vấn đề giải ngân vốn đầu tư công được bàn thảo rất nhiều. Lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống từng dự án và nghe khó khăn của các đơn vị. Từng chủ đầu tư, quận, huyện, TP Thủ Đức có giải pháp cụ thể, quyết tâm cùng lộ trình mà tỉ lệ giải ngân chưa như mong muốn, thành phố cũng ấn định mốc thời gian từng tháng nhưng vẫn không đạt được. Do mục tiêu từng tháng không đạt nên cộng dồn vào những tháng còn lại sẽ gây nhiều khó khăn.
Từ đó, Phó Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát kỹ. Đơn vị nào đăng ký mục tiêu nhưng chưa đạt thì phân tích, đánh giá nguyên nhân. Đơn vị nào làm không được thì có giải pháp, có cam kết. Đơn vị nào giải ngân được thì động viên.
"Phải có danh mục này mới chỉ ra được đơn vị nào, chủ đầu tư nào và trách nhiệm cụ thể ra sao để đẩy tiến độ giải ngân đầu tư công" - ông Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh. Ông Nguyễn Văn Dũng cũng thông tin từng thành viên trong Thường trực UBND TP HCM đã được phân công phụ trách những dự án cụ thể và đã đi thực tế để kiểm tra, tháo gỡ khó khăn...
Bình luận