Nhằm tạo điều kiện cho dân làng, thanh thiếu niên, và du khách có thể đọc và thấm thấu các ý tưởng tốt đẹp, phúc đức, và tâm huyết của tiền nhân lưu lại cho hậu thế ngày nay, những ngôi đình đang được trùng tu, xây mới sau nầy nên ghi thêm chữ quốc ngữ Việt trên hoành phi, liễn đối; đây cũng là việc góp phần quan trọng cho bảo tồn, phát triển phong tục tập quán văn hóa nước nhà.

Thủy tổ của người Việt chúng ta đã thờ cúng các vị thần được tưởng tượng ra từ thiên nhiên như thần sông, núi, sấm, sét, lửa, nước, mưa, gió. Họ thờ cúng ở nhũng nơi nào xuất hiện các hiện tượng thiên nhiên như nơi bị bão lũ, lở núi đồi, sét đánh, bị hỏa hoạn, hạn hán để cầu nguyện cho tai qua, nạn khỏi, mưa thuận gió hòa, và cuộc sống bình yên. 

Theo dòng thời gian và không gian, dân tộc Việt phát triển từ bộ tộc, bộ lạc trở nên xóm, ấp, làng, xã, thị trấn, đến thành phố phồn hoa đô hội. Từ thời vua Hùng dựng nước cổ xưa, kéo dài về sau với các triều đại vua Đinh (968-979), tiền Lê (980-1009), Lý (1010-1225), Trần (1225-1400), hậu Lê (1428-1527),Tây Sơn (1778-1802), và nhà Nguyễn (1802-1945); trãi qua những cuộc chiến tranh giữ nước, đứng lên khởi nghĩa thời bị nô lệ, những cuộc phân chia tranh giành quyền lực, thời đại phát triển, mở rộng đất nước về phương Nam, cho đến trước và trong triều đại nhà Nguyễn (1802-1945), làng xã Việt Nam đã có được ngôi đình làng hoàn chỉnh với những chức năng phù hợp.

Đình làng có thể phát khởi từ việc thờ phụng các vị thần trong thiên nhiên, hoặc thờ người có công với nước với dân, hoặc hành cung của vua đi tuần thú, hoặc nơi vua cho dựng lên để tuyên đọc các văn kiện của vua, hoặc từ lòng yêu nước, và bảo toàn dân tộc dâng cao, dẫn đến việc xây dựng đình làng.

Dù từ nguồn gốc nào thì đình làng cũng là công trình kiến trúc cổ truyền tại các làng quê Việt Nam; là nơi thờ thành hoàng, nơi chức sắc của làng tề tựu để giải quyết việc làng, việc nước, và cũng là nơi hội họp của dân làng. Chức sắc giải quyết việc làng như tranh chấp, phạt vạ, thu tô thuế, khao thưởng, phu đinh, lính tráng. Phân tích ra, ta thấy đình làng có ba chức năng là tín ngưỡng, hành chính, và văn hóa; và làng thì có lệ làng, hương ước.

Đình làng gắn bó với tâm hồn con dân nước Việt, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của cộng đồng dân làng, là nền tảng cơ bản sản sinh văn hóa Việt; lưu giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Việt, trong tiến trình phát triển của dân tộc Việt, từ cổ sơ cho đến tận ngày nay.

Đình làng được dựng lên ở nơi thoáng đãng, cao ráo, có thể ở đầu làng, giữa làng; đình có ba gian, hai chái, được xây bằng tường gạch, cột, rui, mè được làm bằng gỗ tốt. Trước đình có giếng, có ao sen là nơi tụ thủy, có cây đa cổ thụ che mát sân đình. Sân đình là nền đất, hoặc được lát gạch, rộng rãi để tổ chức lễ hội, tạo môi trường thuận lợi cho dân làng tập trung sinh hoạt vui chơi, trong ngày Lễ Hội, kể cả Lễ Tết.

Trước sân đình là bức bình phong, được trang trí hình con vật linh thiêng như rồng, kỳ lân, nghê, phượng; trước cổng vào là hai trụ biểu cao, trên đó cũng tạc hình con vật linh thiêng. Trong đình có nhiều bàn thờ vọng. Gian chính điện giữa, trong cùng là điện thờ thành hoàng bổn thổ, sắc phong cũng được thờ nơi gian chính điện giữa, đặt trên cỗ thờ trang trọng; cặp hạc lớn cao hơn đầu người được đặt đứng trước gian chính điện giữa. Hai bên gian trước có đặt chiêng và trống. Trên những trụ cột chính của đình có treo nhiều hoành phi, liễn đối, và trên vách có tranh chạm khắc. Phần nhiều hoành phi, liễn đối ở các đình làng cổ xưa được ghi chữ Hán tự, Hán Việt.

Trước đây đình được kiến trúc theo kiểu ba gian hai chái, sang thế kỷ17 gian giữa được kéo dài ra sau, và thế kỷ 18 có thêm tòa tiền tế ở phía trước. Như vậy vào thế kỷ16-18 đình làng được xây dựng, kiến trúc vững chãi, hoàn thiện trở thành biểu tượng văn hóa đặc sắc của làng xã Việt Nam.

Thành hoàng là người có công với nước, với dân đã qua đời, được nhà vua ban sắc phong phúc thần, cho dân làng thờ phụng và được dân làng biết ơn, tin tưởng và phụng cúng nhằm mong được thành hoàng phù hộ cho làng, cho dân. Có 3 hạng bậc phúc thần là Thượng đẳng thần, Trung đẳng thần, và Hạ đẳng thần căn cứ vào công sức của các ngài đó đóng góp cho nước, cho dân.

Thượng đẳng thần là những vị anh hùng dân tộc, những ngài có công lao lớn với dân, với nước như Bà Trưng, Bà Triệu, Lê Hoàn, Lý Thường Kiệt, Dương Diên Nghệ, Tản Viên Sơn thánh, Triệu Quang Phục, Trần Hưng Đạo, Bùi Tá Hán. Trung đẳng thần là những ngài có công lao với dân với nước ít hơn các ngài trên như Bát Tràng, Phù Lãng, và những ngài dân đã thờ từ lâu như Cao Lịch, Cao Khiển là Lịch lộ Đại vương Trung đẳng thần, Hành khiển Đại vương trung đẳng thần. Hạ đẳng thần được dân làng thờ phụng, công lao ít hơn hai hạng bậc trên và triều đình phong theo nguyện vọng của dân làng.   

Triều nhà Nguyễn, rất coi trọng hiệu quả của đình làng, nên cứ 3 năm vua cho xét ban sắc phong phúc thần cho đình làng một lần, cụ thể năm 1.852, vua Tự Đức đã sắc phong “Thành hoàng bổn cảnh” cho 13.069 đình làng trong cả nước; việc nầy góp phần ổn định việc khai hoang lập ấp trên vùng đất mới, ghi dấu ấn lịch sử.

Mỗi năm đình làng có hai lần Lễ Hội lớn là Lễ Hội Kỳ Yên Thượng điền và Kỳ Yên Hạ điền. Trong phần Lễ có tục tắm tượng thần hoặc thần vị, mặc áo đội mũ, và rước thần vòng quanh làng, đại tế. Ngày đầu làng cúng Túc Yết, ngày sau là Chánh Tế; và phần Hội có các mục như hát bội, sắc bùa, cải lương, trò chơi chọi gà, thả vịt, kéo co, đấu vật, v.v. Lễ Hội là dịp cho dân làng tỏ lòng tôn kính, biết ơn công lao các bậc tiền nhân hy sinh cho sự tồn tại, phát triển của dân tộc, giống nòi; đồng thời truyền cảm hứng tinh thần yêu nước, và xin phúc thần phù hộ cho dân làng yên bình, an lạc, và cuộc sống ổn định.

Thần Nông được dân tin đây là vị thần dạy dân cấy cày, trông coi lúa gạo, giúp mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, nên được làng thờ vọng ở đình làng. Bệ thờ Thần Nông được dựng vững chắc lên phía trước sân đình, không dựng mái che, trên bệ thờ có ghi chữ “Thần Nông”; và đình làng cúng Thần Nông trong Lễ Hội cúng đình.

Triều đình nhà Nguyễn rất trọng Thần Nông, quy định Lễ cúng Thần Nông là lễ hội truyền thống dân tộc, thể hiện nền văn minh lúa nước của người Việt, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nên vua triều nhà Nguyễn (1802-1806) đã cho xây đàn Nam Giao, phía nam thành nội Huế, lập đàn Xã Tắc tế trời, và cứ hai năm một lần làm Lễ Hội vào vào tháng 2 và 8 âm lịch. Trong Lễ có cảnh “Cày tịch điền”, vua xuống ruộng cày 3 đường cày, hoàng tử và hoàng thân cày 5 đường cày, văn võ đại thần cày 9 đường cày. 

Nhằm tạo điều kiện cho dân làng, thanh thiếu niên, và du khách có thể đọc và thấm thấu các ý tưởng tốt đẹp, phúc đức, và tâm huyết của tiền nhân lưu lại cho hậu thế ngày nay, những ngôi đình đang được trùng tu, xây mới sau nầy nên ghi thêm chữ quốc ngữ Việt trên hoành phi, liễn đối; đây cũng là việc góp phần quan trọng cho bảo tồn, phát triển phong tục tập quán, văn hóa nước nhà.

Nhân dịp Tết cổ truyền, tôi xin phụng cúng đình làng hai câu thơ như sau, “Tổ quốc ấp ôm hồn tử sĩ”, “Đình làng bảo bọc cõi sinh linh”.

 

TS. BÙI SÔNG THU

Viện Trưởng Viện khoa học quản trị Phương Nam.