Những năm qua, ngành nông nghiệp nước ta đạt nhiều thành tựu quan trọng. Từ chủ yếu nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu nông sản top đầu thế giới, các mặt hàng nông sản có mặt tại hầu hết quốc gia và vùng lãnh thổ.

 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 10 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp ước đạt 51,74 tỷ USD, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành này xuất siêu khoảng 15,2 tỷ USD, tăng mạnh hơn 62% so với 2023. Đặc biệt, rau quả, cà phê, gạo, hồ tiêu liên tục lập kỷ lục.

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến dự báo xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp năm nay có thể đạt kỷ lục 60-61 tỷ USD. Riêng xuất khẩu rau quả có thể vượt 7 tỷ USD, còn gạo và cà phê dự kiến vượt 5 tỷ USD.

 

Từ các thông số trên, các chuyên gia nhận định lúa gạo, thủy hải sản và trái cây là lợi thế quốc gia. ĐBSCL là một trong 7 vùng kinh tế của cả nước, có nhiều tiềm năng. Nơi đây đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% sản lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% sản lượng cá xuất khẩu và gần 70% sản lượng trái cây toàn quốc.

 

Dù vậy, nông nghiệp nước ta vẫn còn manh mún, tính liên kết chưa cao, chưa chú trọng công nghệ lẫn đổi mới sáng tạo. Ở Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về hệ thống lương thực, thực phẩm 2021, Việt Nam cũng đặt mục tiêu trở thành quốc gia sản xuất, cung cấp thực phẩm minh bạch - trách nhiệm - bền vững. Do đó, yếu tố xanh hơn, phát thải thấp, giá trị cao, ứng dụng sinh thái tuần hoàn đóng vai trò quan trọng giai đoạn 2021-2030.

 

Những cánh đồng lúa trải dài ngút tầm mắt ở huyện Tịnh Biên, An Giang. Ảnh: Dương Việt Anh

 

Ở Mekong Startup lần một năm 2022, lãnh đạo Bộ, ngành nhận định cần phát triển nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu và cần đầu tư phù hợp với đặc thù ngành lẫn địa phương.

 

Những ngành khác đầu tư công nghệ hiện đại có thể sản xuất đồng loạt, ra được sản phẩm chất lượng cao. Tuy nhiên trong ngành nông nghiệp, cần cơ khí hóa đồng bộ, tự động hóa theo chuỗi giá trị, từng khâu, từng lĩnh vực... mới đáp ứng nhu cầu của ngành.

 

Tuần hoàn nông nghiệp cũng là yếu tố ưu tiên, trong đó đề cao việc tái chế, tái sử dụng. Nếu xử lý tốt các phụ phẩm từ lúa gạo, thủy hải sản, trái cây tại ĐBSCL, đó sẽ là tài nguyên khổng lồ, gia tăng doanh thu cho ngành, góp phần tạo công ăn việc làm cho người dân.

 

Nông nghiệp xanh, giảm phát thải tại ĐBSCL được xem định hướng quan trọng, hướng đến bền vững. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, lượng phát thải từ lĩnh vực lương thực, thực phẩm hiện chiếm đến 19% lượng phát thải cả nước, riêng ngành lúa gạo cám 48%. Do đó, cần ưu tiên giảm phát thải.

 

Cùng chia sẻ mục tiêu trên của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tiếp tục tổ chức Diễn đàn cấp vùng, Mekong Startup lần II năm 2024 trong hai ngày, 15-16/11, tại Nhà văn hóa Lao Động Đồng Tháp, nhằm thúc đẩy chuyển đổi xanh, phát triển bền vững cho khu vực. Chương trình được cố vấn nội dung bởi Ban IV thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ.

 

Lịch trình diễn đàn 2024 gồm các lớp tập huấn về chuyển đổi xanh, Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 và sự kiện triển lãm - trưng bày - hội thảo "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.

 

Diễn đàn lần II được kỳ vọng là nơi tập hợp tiếng nói, nguồn lực của cả khu vực công lẫn tư nhân; là nơi kết nối, hợp tác trong nước, quốc tế; thúc đẩy, gắn kết các xu hướng đổi mới sáng tạo với mô hình kinh doanh truyền thống của vùng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh mới cho doanh nghiệp và kinh tế ĐBSCL.

 

Khách tham quan gian hàng nông sản tại Mekong Startup 2022. Ảnh: Hoàng Khải

 

Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần một tổ chức cách đây hai năm tại Đồng Tháp, hút hơn 1.000 đại biểu trung ương, địa phương, các chuyên gia hàng đầu, thanh niên khởi nghiệp và doanh nghiệp 13 tỉnh, thành. Sự kiện không chỉ là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới, mà còn thúc đẩy loạt sáng kiến, giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Ngay sau diễn đàn, các địa phương triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực.