Vấn đề này được ông Nguyễn Văn Nhủ - chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh - nêu ra tại hội nghị giao ban cụm đô thị hội viên Tây Nam Bộ năm 2024, tổ chức ở tỉnh Bến Tre ngày 8-11.
Ông Nhủ cho biết thành phố Trà Vinh hiện có 87 tuyến đường, trong đó có 48 tuyến đường được trồng 14.463 cây xanh.
Riêng cây xanh trên 100 tuổi có khoảng 800 cây, trong đó chủ yếu là cây dầu, sao, me, giáng hương…
Nhờ số lượng cây xanh lớn nên thành phố Trà Vinh được mệnh danh là thành phố có nhiều cây xanh nhất cả nước.
Tháng 3-2024, theo báo cáo được công bố của IQAir (Cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu - Thụy Sĩ), thành phố Trà Vinh xếp thứ 3 trong top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Tháng 4-2023, lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI), "thành phố cây xanh" Trà Vinh vinh dự được xếp hạng 1 trong 63 tỉnh thành cả nước.
Thế nhưng, theo ông Nhủ, hiện nay số lượng xe ngày càng tăng, nhất là ô tô nhưng không thể mở rộng đường được do hệ thống cây xanh dày đặc.
Theo chủ trương chung của tỉnh, khi mở rộng hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị phải tuyệt đối đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh.
Trước thực trạng trên, ông Nhủ cho biết thời gian tới thành phố Trà Vinh sẽ đẩy mạnh xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông thông minh gắn liền với bảo vệ môi trường bằng những kế hoạch cụ thể.
Trong đó Trà Vinh sẽ chủ động hợp tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, nghiên cứu chính sách và phát triển giải pháp công nghệ giao thông thông minh dựa trên nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bản đồ số cho các hệ thống giao thông nội thành và ngoại thành.
Tại hội nghị, một số đại biểu là lãnh đạo các thành phố tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã nêu thực trạng các đô thị đang phải đối mặt như các tác động do biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Bên cạnh đó là diện tích đất phèn, đất mặn ngày càng tăng, thiếu nước ngọt trong mùa khô, lũ gây ra ở Đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa với diện rộng và thời gian dài trong những năm qua, có những cơn mưa trái mùa, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở ở các khu vực ven sông.
Bình luận