Đây là sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF). Đến nay, có 187 quốc gia và vùng lãnh thổ với khoảng 7.000 thành phố và hàng tỷ người dân trên toàn thế giới đãtham gia hưởng ứng Chiến dịch.

Không chỉ góp phần tiết kiệm một phần sản lượng điện tiêu thụ, chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã góp phần nâng cao ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả của người dân, nhằm mục tiêu phát trỉển kinh tế - xã hội bền vững, bảo vệ môi trường và chủ động ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu.

Chiến dịch Giờ Trái Đất là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương chỉ đạo, dưới sự thực hiện của Vụ Tiết kiệm Năng lượng và Phát triển bền vữngcùng sự hỗ trợ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội, Công ty CP Daikin Air Conditioning (Việt Nam). Trong đó EVN là nhà tài trợ đồng hành của Chiến dịch trong 10 năm liên tiếp.

Biến đổi khí hậu được xem là một trong những thách thức lớn nhất trong thế kỷ 21 đối với sự phát triển bền vững của nhân loại. Thiên tai và các hiện tượng khí hậu cực đoan do biến đổi khí hậu đang gia tăng theo chiều hướng phức tạp cả về mức độ ảnh hưởng và khó dự báo đang là mối lo ngại, đe dọa thành quả phát triển của hầu hết các quốc gia trên thế giới. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đối khí hậu. Mỗi năm GDP thiệt hại khoảng 1,5% do thiên tai và cả tác động của biến đổi khí hậu. Theo Kịch bản biến đổi khí hậu, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình năm ở Việt Nam có thể tăng từ 2 đến 3 độ, nước biển dâng từ 78 đến 100cm. Nếu mực nước biển dâng 100cm, khoảng 5% diện tích lãnh thổ bị ngập gây ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 10% dân số; riêng đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 39% diện tích bị ngập, ảnh hưởng gần 35% dân số, nguy cơ mất đi 40,5% tổng sản lượng lúa của cả vùng.

Do vậy, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai là vấn đề sống còn cho sự phát triển bền vững của đất nước. Chính phủ Việt Nam đã ban hành và thực thi nhiều chủ trương, chiến lược, chính sách và pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước.

Với sáng kiến của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, xã hội về tiết kiệm điện và bảo vệ môi trường, Sự kiện Giờ Trái đất lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2007 và đến nay đã trở thành một trong những sự kiện về tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường có ảnh hướng lớn nhất trên toàn thế giới. Mỗi năm sự kiện thu hút trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng hàng tỷ người trên thế giới tham gia hưởng ứng.

Hòa trong dòng chảy quốc tế, năm 2009, Chiến dịch Giờ Trái đất tại Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với 6 tỉnh, thành phố tham gia hưởng ứng. Đến nay, Chiến dịch Giờ trái đất do Bộ Công thương chủ trì đã trở thành một hoạt động thường niên không thể thiếu, thu hút được sự tham gia của các Bộ ngành, toàn bộ các địa phương và người dân trên cả nước.

Năm nay, chủ đề của Chiến dịch Giờ trái đất của Việt Nam là: “GO MORE GREEN – HÔM NAY TÔI SỐNG XANH HƠN" nhằm kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp cùng chung tay hành động để tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, hướng tới một xã hội phát triển xanh và bền vững. Trong suốt gần một tháng qua, Chiến dịch Giờ Trái đất 2018 đã được các tỉnh, thành phố trên cả nước hưởng ứng rất mạnh mẽ với nhiều hoạt động sôi nổi, đa dạng và giàu ý nghĩa.

Thay mặt Bộ Công Thương, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng kêu gọi mọi tổ chức, cá nhân, gia đình, doanh nghiệp hãy tắt đèn và các thiết bị điện không cần thiết vào 8:30 đến 9:30 tối ngày hôm nay cũng như bất cứ khi nào có thể để chung tay tiết kiệm năng lượng, góp sức bảo vệ môi trường và giảm nhẹ thiên tai, biến đổi khí hậu.

Việc tắt đèn hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất 2018 một lần nữa khẳng định nỗ lực của Nhà nước và nhân dân Việt Nam trong các cam kết bảo vệ môi trường, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng cho hiện tại và tương lai. Khẳng định Việt Nam mong muốn phát triển kinh tế theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Theo số liệu từ Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia, sau 1 giờ tắt đèn chính thức Giờ Trái đất 2018 (từ 20h30 đến 21h30 ngày 24/3/2018), lượng điện năng tiết kiệm được trên phạm vi cả nước là 485.000 kWh, tương đương khoảng 834 triệu đồng.

 

Hồng Hạnh