Bức ảnh đẹp, chộp được khoảng khắc "cắn răng chịu đau" của người chiến sỹ cảnh sát cơ động (CSCĐ) khi ngón tay của anh bị hàm răng của cháu bé nghiến. 

Cháu bé bị co giật khi đang xem đá bóng và lo sợ cháu bé cắn vào lưỡi, người chiến sỹ CSCĐ này đã dũng cảm, vì nhân dân quên mình, đưa ngón tay ngáng miệng cháu bé.

Hình ảnh đẹp, rất đẹp! Tuy nhiên đứng về phương diện sơ cấp cứu có mấy điểm không ổn trong bức ảnh này! 

Bình luận chuyên môn về một bức ảnh đẹp: Người cảnh sát cơ động cho em bé cắn tay khi động kinh - Ảnh 1.

Ảnh: Tuấn Mark

1. Cháu bé đang ở tư thế nguy hiểm. Việc bế cháu bé như trong hình chạy khoảng hơn 50 mét làm tăng nguy cơ rơi ngã cháu bé.

Chỉ nói chuyện anh CSCĐ vấp ngã thôi là đã đủ làm tăng nguy cơ chấn thương thêm cho cháu bé rồi. Chưa kể đây là trường hợp cháu bé bị co giật, nguy cơ cháu giật tung khỏi tay người CSCĐ lại càng cao hơn.

2. Cháu bé đang bị nguy cơ phơi nhiễm các bệnh lây qua đường máu. Không biết anh CSCĐ ấy ngoài cơn đau mà anh đã phải cắn răng chịu đựng thì không biết ngón tay của anh có bị chảy máu không? 

Nếu có chảy máu, cháu bé đã vô tình tiếp xúc với máu của người anh CSCĐ. Anh ấy là người tốt, nhưng trong y học, mọi việc đều có thể. Nên kiểm tra và theo dõi cho cháu bé nhé!

3. Anh CSCĐ đang bị phơi nhiễm các bệnh lây truyền qua dịch tiết của cháu bé. Cháu bé co giật, nhớt dãi đầy miệng. Anh CSCĐ đã nhét ngón tay vào và nếu ngón tay bị chảy máu thì ngón tay chảy máu đó của anh đã tiếp xúc với dịch tiết hầu họng của cháu bé. 

Nói chung, cháu bé cũng là người tốt (khỏe mạnh), nhưng trong y học, mọi việc đều có thể xảy ra. Anh CSCĐ có lẽ cần gặp BS để tư vấn về bệnh người cắn (human bites).

Bình luận chuyên môn về một bức ảnh đẹp: Người cảnh sát cơ động cho em bé cắn tay khi động kinh - Ảnh 2.

Em bé là khán giả của trận bóng ở Nam Định (Ảnh: Tuấn Mark)

Vậy cấp cứu như thế nào mới đúng kỹ thuật và phù hợp với các hiểu biết hiện tại của Y học thế giới?

a. Đảm bảo môi trường an toàn. Ngay khi phát hiện ra người bị co giật chúng ta cần loại bỏ các vật sắc nhọn gần nạn nhân, bảo vệ đầu nạn nhân bằng cách kê các chăn mền dưới đầu nạn nhân.

b. Để nạn nhân giật một cách tự nhiên. Khi đã co giật, việc ghì đè giữ không làm hạn chế sức giật của nạn nhân, thậm chí có thể gây chấn thương cho cơ và khung xương khi lực tỳ đè quá lớn! 

Nạn nhân sẽ hết giật khi hết xung điện phóng ra/qua vùng vận động của não hoặc khi ngừng tuần hoàn (co giật kéo dài có thể gây ngừng thở, ngừng tim).

c. Hết co giật, tiến hành kiểm tra xem nạn nhân còn thở, còn mạch hay không. Nếu không có mạch hoặc/và ngừng thở, nhanh chóng tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng cách ép tim thổi ngạt. Nếu có mạch, còn thở, thì cho nạn nhân nằm nghiêng an toàn.

d. Gọi cấp cứu hoặc đưa nạn nhân đi cấp cứu trong điều kiện phù hợp.

Truyền thuyết về sự nguy hiểm của cắn lưỡi

Dân Việt ta chắc đọc truyện, xem phim ảnh nhiều nên luôn sợ thuật cắn lưỡi tự tử. Thật ra thì thuật cắn lưỡi tự tử chắc chỉ đúng với... phim Trung Quốc chứ đối với người Việt thì không. 

Kể cả có cố tình thè lưỡi ra hết rồi cắn, những người có ý định tự tử bằng phương pháp này cũng rất khó cắn đứt rời lưỡi. Nếu không cắn đứt rời lưỡi ra, thì rất khó gây ra chảy máu ồ ạt tới mức gây nguy hiểm tới tính mạng. 

Đấy là trong tình huống tự tử kiểu phim Trung Quốc, thế còn trong co giật, liệu cắn lưỡi có nguy hiểm không? Trong co giật, 2 hàm răng có thể nghiến chặt. Hầu hết lúc này lưỡi bị rụt lại nên không có chấn thương. 

Một số trường hợp lưỡi bị đẩy ra ngoài, nạn nhân có thể sẽ bị chảy máu do chấn thương lưỡi. Các chấn thương này thường rất nhẹ do chấn thương ở đầu lưỡi. Khi được đưa tới viện, chảy máu lưỡi hầu hết đã tự cầm! 

Tuy nhiên nỗi ám ảnh về thuật cắn lưỡi trên phim đã làm cho nhiều người lo sợ. Họ sợ co giật nhỡ đâu cắn vào lưỡi chết tươi thì sao. Do vậy ngay khi thấy có người co giật thì người ta nhanh chóng tìm thấy bất kỳ thứ gì có xung quanh và nhét vào mồm nạn nhân. 

Các vật mềm oặt như giẻ, vải xô... ngoài việc chả có tác dụng gì với việc phòng cắn lưỡi nếu nó có xảy ra thì nó còn tăng nguy cơ gây ngạt đường thở. Giẻ đã bị cấm! Các vật cứng như đũa cả, gậy cảnh sát...có thể ngáng để tránh cắn lưỡi, nhưng để nhét vào cũng khá vất vả. 

Các bạn cứ tưởng tượng xem ta sẽ phải dùng sức như thế nào để cạy 2 hàm răng đang cắn chặt và nhét được các vật cứng đấy vào giữa 2 hàm răng. Rất nhiều trường hợp nạn nhân tới viện be bét máu ở mồm không phải vì cắn vào lưỡi mà là do các biện pháp dự phòng cắn lưỡi gây ra. 

Chưa kể răng gẫy rơi vào đường thở, chưa kể vật ngáng mồm bị gãy gây chấn thương rách lưỡi, môi, má...Nếu quá cứng không gãy được thì cũng sái quai hàm mà từ chuyên môn là chấn thương khớp thái dương hàm. 

Hôm nay chính thức có thêm vật ngáng hàm mới ở Việt Nam: Ngón tay!

Ngón tay vừa mềm vừa cứng. Thực ra với cơn nghiến hàm do co giật thì chả có khái niệm vừa mềm vừa cứng đâu ạ. Mềm thì chảy máu, cứng thì chấn thương răng hàm mặt. Không may cháu bé cắn đứt cả ngon tay chú CSCĐ thì thật đáng tiếc! 

Kết luận như sau: 

Với những hiểu biết hiện tại khi gặp co giật thì kệ cho nó co giật, hết giật kiểm tra xem còn thở hay không. Không thì ép tim, còn thì nhanh chóng đưa tới bệnh viện. Không nhét bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân, không ghì tì đè nạn nhân!

 


theo Trithuctre