Buổi chiều, cứ sau 16 giờ, một quán hủ tiếu bò viên trên đường Vĩnh Viễn (phường 4, quận 10, TP.HCM) lại đông khách. Không bàn nào còn trống, không ai để ý đến ai, quán rất náo nhiệt.

Ở cuối quán, 4 người khách đang ăn. Bên cạnh, một bà cụ tay cầm gậy đứng ngay đầu bàn. Gương mặt bà tươi tắn, hiền lành. Mái tóc bà pha sương, không chải chuốt.

Hoàn cảnh khó khăn,Câu chuyện cảm động,Người cao tuổi
Cụ bà Nguyễn Thị Thư, người bán vé số.

Bà đứng rất lâu, khách vẫn ăn. Cạnh bà, người khách vừa ăn vừa nhìn vào một xấp giấy. Thỉnh thoảng ông lật lên, để xuống. Ông nói với bà vài câu, bà trả lời bằng nụ cười hóm hỉnh. Ông rút ra 5 tờ xếp bỏ vào túi. Ông lấy ví đưa bà 50.000 đồng. Bà cầm tiền, ra đến bàn chúng tôi. Đó là một người đàn bà bán vé số.

"Mời cậu mua vé số", bà chìa xấp vé số về phía tôi. Tôi cầm lấy. Bàn còn trống, tôi mời bà ngồi. Bà ngồi, để cây gậy vào sát người mình. "Bà người Quảng Ngãi?", tôi hỏi. Bà gật đầu: "Mới nghe tiếng nói mà đã biết tôi dân Quảng Ngãi. Tôi ở huyện Đức Phổ".

Dường như bà bắt đầu có "cảm tình" với tôi bởi tôi đã đoán ra được quê hương của bà. Bà nở nụ cười. "Năm nay tôi 86 tuổi, vào Sài Gòn bán vé số đã 15 năm. Tôi không còn sức đi bán dạo mà chỉ quanh quẩn sáng ở một tiệm phở trên đường Hòa Hảo và chiều thì ở đây. Tôi bán trong tiệm đỡ phải lo bị giựt vé số", bà chia sẻ.

Bà tiếp tục: "Tôi vào Sài Gòn ở một mình. Ông chủ đại lý vé số có nhà rộng cho những người bán vé số như chúng tôi tá túc. Mỗi ngày, sau khi bán xong đem tiền về trả cho ông, tôi phải trả thêm 10.000 đồng tiền trọ, vị chi một tháng 300.000 đồng.

Hoàn cảnh khó khăn,Câu chuyện cảm động,Người cao tuổi
Khách mua vé số ủng hộ bà.

Khách vào càng lúc càng đông. Bà đứng dậy nhường chỗ cho khách. Chúng tôi cũng đã ăn xong, mua giúp bà vài tờ vé số rồi đi.

Không hiểu sao, trên đường về hình ảnh bà cụ bán vé số cứ lởn vởn trong đầu tôi. Bà già như thế mà vẫn phải mưu sinh, vẫn phải vất vả sớm hôm? Con cháu bà đâu? 

Cho đến một hôm tôi trở lại quán. Còn sớm, quán vắng, tôi ngồi một mình một bàn. Chưa kịp gọi thức ăn tôi đã nhìn thấy bà. Bà đến và mời tôi mua vé số. Cũng như lần trước, tôi mời bà ngồi và hỏi "Bà khỏe không ?". Bà đáp lại: "Khỏe chứ, không khỏe sao đi bán được?".

Qua câu chuyện của bà, tôi được biết bà có 5 người con, cả trai và gái. 3 người con ở quê, 2 con vào Sài Gòn làm ăn. Các con đều đã nên vợ nên chồng và cho bà một đàn cháu nội, cháu ngoại.  

Nghe bà kể, tôi vô cùng ngạc nhiên. Con cháu như thế mà để bà khổ cực như thế này sao? Bà kể: "Mấy chục năm trước, ở quê, vợ chồng tui làm nông nghiệp nuôi con. Mảnh vườn, thửa ruộng và mồ hôi của 2 vợ chồng đã nuôi chúng lớn. Cách đây 15 năm, ông nhà mất. Một mình tôi không lo nổi nên tôi vào Sài Gòn bán vé số để kiếm thêm thu nhập.

Hai đứa con vào Sài Gòn đều làm ăn rất khá. Vợ chồng con trai làm cho một công ty với mức lương đủ nuôi con. Vợ chồng người con gái kinh tế khá hơn. Cháu ngoại tôi cũng được đi du học ở nước ngoài...".

Hoàn cảnh khó khăn,Câu chuyện cảm động,Người cao tuổi
Bà cụ và những tấm vé số.

Bà kể cho tôi nghe với một giọng vừa chân thật vừa hãnh diện. Con cái như thế cha mẹ nào không vui?

Lý giải lý do không ở với con, bà nói: "Tính tôi không muốn làm phiền con. Các con còn chồng, còn vợ, sự hiện diện của mình đôi khi làm vướng bận chúng. Một mình tôi làm, tôi sống, không phiền đến con cái là được rồi...

Đều đặn mỗi ngày tôi bán 200 vé, được 200.000 đồng. Ngoài ra tôi thường được những người tốt bụng cho phở, cho hủ tiếu đỡ tốn tiền cơm. Cách nay 2 năm, có 2 người khách tìm đến. Họ biếu tôi tổng cộng 100 triệu đồng. Số tiền này tôi gửi ngân hàng cho đến bây giờ chưa dùng đến".

Bà giải thích thêm: "Họ là khách mua số của tôi. Một người trúng 2 tỉ đồng và một người trúng 2,5 tỉ đồng. Chắc cũng có nhiều người trúng số nhưng chỉ có 2 người khách này quay lại tặng tôi một số tiền.

"Bà bây giờ lớn tuổi rồi nên nghỉ ngơi đi", tôi khuyên bà như thế. Bà vui vẻ cười nói: "Tôi sẽ cố gắng làm việc hết năm nay. Số tiền để danh khá khá một chút, tôi mang về cho con. Tôi có nằm xuống, các con cũng có tiền lo ma chay cho mình, không phải dùng đến tiền của nó".

Nghe bà nói mà tôi ngậm ngùi...

Trần Chánh Nghĩa