Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của nông dân rất lớn nhưng không phải ai cũng đáp ứng được điều kiện của ngân hàng về tài sản thế chấp. Nhiều hộ nông dân có trang trại nhưng vẫn không tiếp cận được vốn do không có sổ đỏ.
Cạnh đó, để tạo điều kiện cho khu vực tín dụng chính thức phát triển, Nhà nước thậm chí còn quy định mức trần lãi suất cho vay đối với khu vực phi chính thức, nên đã không tạo ra động lực cho vay.
Khó vay tín dụng chính thức khiến người dân nhiều nơi phải tìm đến tín dụng đen với các khoản vay nặng lãi để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hơn 63% hộ nông dân có vay vốn thì vẫn phải vay từ các nguồn phi chính thức.
Chương trình tín dụng cho vay theo chuỗi giá trị và ứng dụng công nghệ cao theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ được triển khai nhưng chưa hiệu quả, dù đây là phương thức cho vay mới và rất có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp.
Hơn nữa, chương trình này chỉ áp dụng cho vay thí điểm tại 4 tỉnh Nam Định, Đồng Tháp, Cần Thơ, An Giang, nhưng hạn chế là chỉ tập trung vào một đối tượng chính là các doanh nghiệp nông nghiệp, vô hình trung đã tạo thế độc quyền giữa các tác nhân trong chuỗi, các tác nhân khác trong chuỗi bị hạn chế tiếp cận nguồn tín dụng chính thức.
Việc chưa có một văn bản pháp quy cho thấy nước ta chưa định hình được thể chế tài chính cho khu vực nông nghiệp, thiếu những thiết chế được thiết lập một cách rõ ràng. Chỉ khi gây dựng được mô hình này mới có thể tạo được sự ổn định, bền vững ở nông thôn.
Việt Nam đã thất bại trong việc tạo ra các tập đoàn, tổ hợp kinh tế nông nghiệp trong thời gian mở cửa vừa qua. Với sự tích lũy về vốn, tích lũy tri thức, kinh nghiệm quản lý hạn chế, nước ta chưa học được kinh nghiệm các nước bởi chưa có khu vực tư nhân đủ mạnh, vẫn nhùng nhằng trong việc duy trì doanh nghiệp của Nhà nước trong thị trường. Lẽ ra, cách đây 20 năm nước ta đã phải giải phóng khu vực tư nhân một cách mạnh mẽ, để tạo ra những tập đoàn tư nhân lớn và phát triển sau đó.
Doanh nghiệp nông nghiệp là quan trọng nhưng không phải là quan trọng nhất bởi nông nghiệp có đặc thù riêng. Trong khi không thể bơm được nhiều vốn thì phải có giải pháp khác cho nông nghiệp, nông thôn. Nền nông nghiệp của Việt Nam sẽ vẫn tiếp tục suy giảm nếu không cổ phần hóa được các doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước.
Thời gian qua, nhiều chính sách được ban hành nhưng hiệu quả thực hiện không cao. Điều đó cũng có nghĩa không phải ban hành nhiều chính sách là có thể giải quyết được vấn đề của nông nghiệp. Đơn cử, chính sách hỗ trợ nông nghiệp trong 20 năm qua đã trở thành vô nghĩa bởi đối tượng hưởng lợi chính vẫn là doanh nghiệp nhà nước.
Gần đây, Chính phủ đưa ra quan điểm về kiến tạo - phát triển là hoàn toàn chính xác nhưng để triển khai được thì phải nhìn vào thực tế. Một khi các tập đoàn, công ty lương thực, thức ăn chăn nuôi nhà nước vẫn tồn tại thì các chính sách ấy cũng không có nhiều ý nghĩa. Như vậy, Chính phủ mong muốn kiến tạo nhưng cách thể hiện mong muốn đó thì chưa phù hợp với hoàn cảnh.
Xuất phát muộn hơn thực tế nhưng không có nghĩa buông bỏ hay chịu thất bại. Tư duy phải thay đổi, phải thấy tầm quan trọng đặc biệt của khu vực kinh tế tư nhân, bởi chỉ có khu vực kinh tế tư nhân mới tạo ra được nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại.
Theo DNSG
Bình luận