Trong kỉ nguyên Premier League, Stamford Bridge được ví là "pháo đài bất khả xâm phạm", ít nhất là đối với gã hàng xóm Tottenham. Nhưng sau vòng 32 Premier League, niềm tự hào của Chelsea đã đâm toạc bằng trận thua ngược 1-3. Chính xác thì sau 28 năm, The Blues đã phải nếm thất bại đầu tiên trước Spurs trên chính sân nhà của mình.
 
 
Tottenham xứng đáng được khen ngợi bởi lối chơi dũng cảm, hiệu quả và tinh thần tuyệt vời ở Stamford Bridge đêm qua. Nhưng vấn đề chính thuộc về Chelsea. Họ đã trở thành một đội bóng hoàn toàn khác theo nghĩa tiêu cực so với trận lượt đi (từng thắng Tottenham 2-1 ở Wembley).
 
Mùa trước, Chelsea sở hữu đội hình không hẳn tốt hơn nhưng vẫn lên ngôi vô địch vì họ biết cách tận dụng thời thế. Cùng với đó là sự nhiệt huyết của Antonio Conte, người muốn chứng tỏ mình trong mùa giải ra mắt Premier League.
 
Còn ở mùa giải này, NHM Chelsea không cảm nhận được điều đó cho dù Conte vẫn hò hét như "đứa trẻ" bên ngoài đường pitch. Thứ nhiệt huyết và niềm tin của nhà cầm quân người Italia đã bị ảnh hưởng quá lớn sau mùa hè "vỡ mộng". Nói là vỡ mộng vì Conte đã hiểu hơn về Chelsea và thẩm quyền có hạn của ông ở Stamford Bridge.
 
Đấy là mối quan hệ không thể dung hòa. Conte giàu tham vọng nhưng Chelsea đã trở thành đội bóng "kiểm soát". Với cá tính của mình, Conte không phải là mẫu HLV biết nín nhịn, giữ im lặng để chờ ngày ra đi như Ancelotti trước đây. Ông đã lên tiếng không chỉ 1-2 lần mà nó trở thành câu chuyện nhàm chán ở Stamford Bridge.
 
Giờ chẳng có thứ gì có thể bảo đảm việc Conte tiếp tục dẫn dắt Chelsea cho tới hết hạn hợp đồng (mùa hè 2019), kể cả mục tiêu top 4. Trong bối cảnh đó, khó có thể kì vọng một Chelsea sung sức nhất. Điều đó đã thể hiện rõ ở trận derby với Tottenham đêm qua.
 
Cách mà Chelsea thi đấu giống như một đội bóng an phận thủ thường. Chelsea tệ hay Conte buông tay? Đó vẫn còn là một dấu hỏi. Phải chăng đó là sự phản đối theo cách tiêu cực của nhà cầm quân người Italia sau quá nhiều vấn đề ông gặp phải với đội ngũ lãnh đạo ở Stamford Bridge?
 
Thực ra, đây chẳng phải là vấn đề mới. Trong sự nghiệp cầm quân, Conte từng rơi vào tình cảnh tương tự. Người ta từng thất vọng với những sự phản ứng đôi khi thái quá của ông trước những yêu cầu không được đền đáp.
 
 
Đấy là 2 mùa giải cuối của Conte ở Juventus. Ông vẫn được cho là thành công khi giúp Lão bà giành 3 danh hiệu Scudetto liên tiếp. Nhưng thực tế, sau mùa giải đầu tiên (2011-12), Conte đã vỡ mộng vì những ý tưởng nóng hổi của ông bị BLĐ Juventus gạch bỏ không thương tiếc.
 
Hệ quả thì ai cũng thấy, Juventus thi đấu vô hồn ở Champions League mùa 2012-13. Họ chấp nhận để thua Bayern Munich 0-4 ở vòng tứ kết theo kiểu "chuyện tất phải đến". Mùa sau, Lão bà còn tệ hơn khi dừng bước ở vòng bảng. Khi ấy, báo giới Italia cho rằng đấy là sự phản ứng chua chát và thiếu chuyên nghiệp của Conte sau hàng loạt vấn đề với BLĐ.
 
Ở thời điểm đó, Juve giữ thế độc tôn ở Serie A nên 3 danh hiệu Scudetto liên tiếp chưa hẳn đã là thành công. Người ta nghi ngờ tham vọng của Conte khi ông không thể mang cho Lão bà danh hiệu Coppa Italia nào (sau khi bổ nhiệm Allegri, Juve giành liên tiếp 3 Coppa Italia). Juve tệ hay Conte có vấn đề?
 
Conte từng nói "bạn không thể bước vào nhà hàng 100 euro với chỉ 10 euro trong túi". Câu nói vui đó đã thể hiện quan điểm rất rõ ràng của nhà cầm quân người Italia. Ông có vẻ đã và đang thể hiện theo đúng những gì Chelsea tạo điều kiện.
 
Không nhiều người bất ngờ khi Chelsea thất bại trước Tottenham và có thể không giành vé dự Champions League mùa tới. Đáng ra, Chelsea cần đưa ra 1 quyết định dứt khoát hơn và sớm hơn khi mối quan hệ giữa họ với Conte không thể giải quyết…
 
 
Khương Duy